Trang mới cho du lịch cộng đồng
Năm 2019, Gia Lai ra mắt sản phẩm du lịch cộng đồng (DLCĐ) đầu tiên tại làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) từ dự án 'Di sản kết nối' do Hội đồng Anh tài trợ với kinh phí 1,3 tỷ đồng.
Kể từ đó đến nay, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách với quyết tâm mở ra trang mới cho phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Nhìn từ 2 mô hình phía Đông và phía Tây
Sản phẩm DLCĐ Mơ Hra-Đáp khi mới thành hình đã có những ngày sôi động phục vụ một số đoàn khách đầu tiên trong tour thử nghiệm. Câu chuyện làm du lịch được bà con nói đến mọi lúc, mọi nơi với sự háo hức, mong chờ về những đổi thay từ một loại hình hoàn toàn mới mẻ.
Những người nông dân cả đời chỉ biết đến nương rẫy lần đầu tiên bỡ ngỡ đón khách, giới thiệu các di sản văn hóa, phục vụ ẩm thực truyền thống trước khách lạ. Nhưng sau những ngày rộn ràng với các tour thử nghiệm, dự án hỗ trợ kết thúc, khó khăn mới dần được nhận diện khi bà con “tự lực cánh sinh”.
Theo chị Trần Thị Bích Ngọc-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng: Sau khi ra mắt, sản phẩm DLCĐ Mơ Hra-Đáp còn nhận được nhiều chương trình hỗ trợ khác. Nhưng thực tế, hoạt động du lịch ngắt quãng liên tục do dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khác. Khi du lịch mở cửa, đầu năm 2023, làng tiếp tục đón nhận dự án thí điểm theo Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ. Dự kiến đến cuối năm 2025, các hạng mục đầu tư mới hoàn thành.
“Là sản phẩm đầu tiên của tỉnh về DLCĐ, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là bà con vẫn nhận thức chưa đầy đủ về loại hình này dù đã được tập huấn rất nhiều. Nếu không có người đứng ra kết nối, hỗ trợ thì bà con vẫn chưa tự làm được, chưa biết cách quảng bá sản phẩm, thu hút du khách. Hơn nữa, do sự ngắt quãng liên tục trong hoạt động du lịch khiến một số bà con “bỏ quên” kỹ năng. Do đó, trước khi mở cửa tiếp tục đón khách, phải củng cố toàn bộ bộ khung của làng, kiện toàn hoạt động của các tổ, nhóm”-chị Ngọc cho hay.
Còn anh Đinh Văn Brech-Phó Trưởng ban Quản lý làng DLCĐ Mơ Hra-Đáp thì cho biết: “Bà con tham gia làm du lịch với mong muốn có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế. Nhưng nhiều thời điểm làng không có khách, không có thu nhập nên họ quay về với ruộng rẫy và không tha thiết tham gia nữa”.
Ở phía Tây của tỉnh, làng Kép, làng Phung (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã trở thành điểm DLCĐ yêu thích của những người yêu văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là giới nhiếp ảnh. Đây cũng là câu chuyện thành công từ thay đổi tư duy, cách làm của người dân, trong đó có sự đóng góp, truyền cảm hứng rất lớn của chị H’Uyên Niê-một cô gái dân tộc Ê Đê.
Với sự năng động, tháo vát, chị H’Uyên Niê đã dẫn dắt cộng đồng người Jrai làm du lịch với những trải nghiệm rất chân thực và dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp. Kể từ khi du lịch mở cửa, DLCĐ Ia Mơ Nông luôn nhộn nhịp du khách.
Trong đó, nhiều đoàn khách du lịch là giới nhiếp ảnh từ các tỉnh, thành trong cả nước và các đoàn khách quốc tế. Khách đến làng có thể tham quan nhà mồ, giọt nước, thưởng thức cồng chiêng, ẩm thực truyền thống bên bờ hồ, trải nghiệm nghề truyền thống đan lát, dệt vải cùng các nghệ nhân bên nhà sàn truyền thống, đồng thời mua luôn sản phẩm về làm quà.
Vào mùa hái cà phê, mùa thu hoạch lúa rẫy, khách có thể đeo gùi cùng bà con xuống đồng để trải nghiệm hoạt động nông nghiệp lâu đời. Đời sống văn hóa, lao động thường ngày của người dân như được “bê” nguyên xi vào hoạt động du lịch với sự phối hợp rất nhịp nhàng của từng bộ phận, mang đến những trải nghiệm chân thực cho du khách. Các hoạt động cũng luôn được cập nhật thường xuyên trên trang Facebook “Làng du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông” góp phần lan tỏa, quảng bá du lịch mạnh mẽ.
Trang mới cho DLCĐ
Những năm qua, mạng lưới buôn làng có tiềm năng phát triển DLCĐ đã có nhiều thay đổi. Có những làng từng rất hút khách trên bản đồ du lịch nhưng sau đó hoàn toàn bị “xóa sổ” khỏi các tour, tuyến của giới lữ hành do bê tông hóa, bản sắc mai một hoặc sản phẩm dịch vụ nghèo nàn. Nhưng cũng có làng nhờ vào sự năng động của cộng đồng lại có thể bứt phá trong phát triển DLCĐ. Tuy nhiên, việc phát triển DLCĐ vẫn còn trở lực dù Gia Lai được đánh giá có nhiều tiềm năng cho loại hình này.
Nhiều chính sách về phát triển DLCĐ được tỉnh ban hành với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển loại hình du lịch nhân văn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1103/KH-UBND về phát triển DLCĐ đến năm 2030. Kế hoạch nêu rõ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật đối với các điểm du lịch đang khai thác nhưng chưa hoàn thiện dịch vụ như làng Mơ Hra-Đáp và làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).
Ngoài ra, một số ngôi làng có tiềm năng cũng được đưa vào kế hoạch như: làng Ốp (phường Hoa Lư), Ia Nueng (xã Biển Hồ), Wâu (xã Chư Á), Têng 1 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku), Kép, Al (xã Ia Mơ Nông), Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), Đê Kjiêng (xã Ayun), Pờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Kôn (xã Hra, huyện Mang Yang).
Là mô hình mẫu về DLCĐ, làng Mơ Hra-Đáp tiếp tục được đầu tư 14,5 tỷ đồng từ ngân sách của Nhà nước để triển khai mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về DLCĐ. Một số hạng mục đang được triển khai như: làm nhà rông, trồng cây trong khuôn viên, mở rộng đường giao thông… Với nguồn lực đầu tư lớn, sản phẩm DLCĐ làng Mơ Hra-Đáp sẽ hoàn thiện trong năm 2025.
Theo các chuyên gia du lịch, việc lựa chọn thí điểm mô hình DLCĐ để tập trung đầu tư xây dựng chính là cách làm phù hợp. Nhưng quá trình triển khai cần hạn chế tác động đến môi trường, nhất là tối kỵ việc bê tông hóa. Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn lực chính cho chủ thể của hoạt động du lịch là cộng đồng. Chủ tịch Hội DLCĐ Việt Nam Phạm Hải Quỳnh từng dẫn đoàn famtrip gần 100 doanh nghiệp lữ hành khảo sát DLCĐ Mơ Hra-Đáp.
Ông Quỳnh nhận định: “Chúng tôi đã khảo sát DLCĐ dọc khắp Việt Nam. Với mạng lưới các làng DLCĐ dày đặc ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, muốn cạnh tranh cần tạo sự khác biệt. Ở Mơ Hra-Đáp, các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng được cộng đồng bảo tồn rất tốt. Có thể nói để xây dựng được sản phẩm DLCĐ cần khai thác được cả những giá trị vô hình lẫn hữu hình, hài hòa được các yếu tố đó là giữ gìn được bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên gắn với lợi ích kinh tế, sinh kế lâu dài cho người dân.
Như vậy, cần có cách làm chứ không phải nguồn lực lớn. Còn khi có nguồn lực đầu tư, cần đầu tư vào cả những giá trị hữu hình chứ không chỉ là cơ sở hạ tầng”.
Còn Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu-một trong những hướng dẫn viên của TP. Hồ Chí Minh thực hiện tour thử nghiệm DLCĐ tại làng Mơ Hra-Đáp khi sản phẩm ra mắt thì cho biết: “Dân làng Mơ Hra-Đáp lâu nay đã biết cách làm du lịch, đến giai đoạn này cần phát triển ở mức độ cao hơn, chú trọng yếu tố trải nghiệm nhiều hơn. Điều quan trọng nhất là xây dựng được sản phẩm DLCĐ Mơ Hra-Đáp có sự khác biệt rõ rệt, không trùng lắp mới thôi thúc được du khách phải tìm đến để trải nghiệm”.
Là đô thị trung tâm với đặc trưng “làng trong phố”, TP. Pleiku cũng đã ban hành các đề án xây dựng sản phẩm DLCĐ tại làng Ốp (phường Hoa Lư) và làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Tuy nhiên, thành phố vẫn đang “đi chậm mà chắc”. Bởi lẽ, đặc trưng “làng trong phố” vừa là thế mạnh, vừa là thách thức trong phát triển DLCĐ bởi tốc độ đô thị hóa cao, khó giữ được bản sắc.
Tại hội nghị chuyên đề phát triển du lịch nông thôn do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-chia sẻ: “Thành phố rất quyết tâm và dành nguồn lực lớn đầu tư để có thể xây dựng được các sản phẩm DLCĐ xứng tầm. Nhưng đây là loại hình du lịch khá mới mẻ, thành phố vẫn đang tìm hướng đi phù hợp.
Ngoài 6 giải pháp cụ thể đề ra phát triển loại hình này, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch lâu năm có kinh nghiệm đến các làng khảo sát, tham vấn cho thành phố nên làm gì, làm như thế nào để có thể xây dựng được sản phẩm DLCĐ thực sự hấp dẫn, khác biệt”.