'Trắng' huy chương ở Olympic, Thể thao Việt Nam cần thay đổi gì?

Kỳ Thế Vận hội thứ hai liên tiếp 'trắng tay' cho thấy thể thao Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ so với các nước trên thế giới - yếu tố không thể cải thiện trong 'một sớm, một chiều.'

Đô cử Trịnh Văn Vinh thất vọng khi thi đấu không thành công tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Đô cử Trịnh Văn Vinh thất vọng khi thi đấu không thành công tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Thêm một kỳ Thế Vận hội đáng quên đối với thể thao nước nhà, khi các vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam không thể một lần đứng trên bục nhận huy chương tại Olympic Paris 2024.

Đáng chú ý, đây là kỳ Thế Vận hội thứ hai liên tiếp mà Thể thao Việt Nam "trắng tay" (Tokyo năm 2020 và Paris năm 2024) - điều khiến người hâm mộ nước nhà không khỏi "chạnh lòng" khi những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều đã có những vận động viên bước lên bục vinh quang nhờ những màn trình diễn thuyết phục.

"Ngợp" nơi biển lớn

Thực tế, kết quả "trắng" huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 là câu chuyện đã được dự đoán trước, khi Đoàn Việt Nam chỉ có 16 vận động viên tham dự Thế Vận hội trên đất Pháp (với 14 vận động viên giành vé chính thức thông qua thành tích thi đấu, 2 vận động viên còn lại được trao suất đặc cách) - số lượng thấp nhất kể từ Olympic Bắc Kinh 2008 (với 13 vận động viên).

Không chỉ suy giảm về số lượng, chất lượng thi đấu của Đoàn Việt Nam cũng không đạt kỳ vọng: 15/16 vận động viên dừng bước ở vòng loại và không đủ điều kiện cạnh tranh huy chương, trong đó có cả những gương mặt nhận được nhiều hy vọng như đô cử Trịnh Văn Vinh hay kình ngư Nguyễn Huy Hoàng...

Trường hợp duy nhất phần nào đáp ứng kỳ vọng là xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Vận động viên sinh năm 2000 trở thành "điểm sáng" của Đoàn thể thao Việt Nam khi áp sát vị trí có huy chương với thứ hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ.

 Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là vận động viên duy nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam có cơ hội cạnh tranh huy chương ở Olympic Paris 2024. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là vận động viên duy nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam có cơ hội cạnh tranh huy chương ở Olympic Paris 2024. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Trái ngược với vị thế thống trị bảng xếp hạng huy chương ở 2 kỳ SEA Games gần nhất (2022 và 2023), thể thao Việt Nam bị "ngợp" khi vươn ra biển lớn Olympic so với những người hàng xóm trong khu vực Đông Nam Á: Philippines giành 4 huy chương, trong đó có "cú đúp" Vàng của vận động viên Carlos Yulo (thể dục dụng cụ); Indonesia có 2 huy chương Vàng và 1 huy chương Đồng; Thái Lan dẫn đầu khu vực với 6 huy chương (1 huy chương Vàng); trong khi hai đoàn Malaysia và Singapore đều có những vận động viên giành được huy chương Đồng.

"Thể thao Việt Nam vẫn còn đặt nặng vấn đề vị thế ở SEA Games. Chúng ta còn nhớ khi Hoàng Xuân Vinh giành huy chương Vàng ở Olympic Rio 2016, vẫn có quan điểm cho rằng đây là sự may mắn, trong khi thực tế xạ thủ này đã lên ngôi ở đấu trường thế giới năm 2013. Cách nhìn nhận này cho thấy thể thao Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hy sinh một số nội dung ở SEA Games để hướng đến đầu tư đặc biệt cho những mũi nhọn tại đấu trường thế giới," nhà báo-bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định.

Cần xác định lại trọng tâm

Thực tế, dù xác định được những mũi nhọn thể thao như bắn súng, cử tạ... để đầu tư theo những tiêu chuẩn đặc biệt, thể thao Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ so với các nước trên thế giới - yếu tố không thể cải thiện trong "một sớm, một chiều."

"Với riêng bộ môn bắn súng, trong khi những quốc gia khác chỉ cần từ 4-5 năm để đào tạo một lứa vận động viên cạnh tranh cho suất tham dự Olympic, thì điều kiện từ đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị... ở Việt Nam khiến quá trình này kéo dài từ 8-10 năm," cựu huấn luyện viên trưởng Tuyển Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung đánh giá.

 Thể thao Việt Nam cần thêm sự chung tay từ các doanh nghiệp để vươn tầm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Thể thao Việt Nam cần thêm sự chung tay từ các doanh nghiệp để vươn tầm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Như vậy, bên cạnh yếu tố năng lực của các vận động viên, các thành viên đội ngũ trong ban huấn luyện..., những yêu cầu đầu tư về mặt kinh phí cho ngành thể thao là điều cần đặc biệt cải thiện để giúp thể thao Việt Nam vươn tầm. Tuy nhiên ngoại trừ bóng đá và các giải chạy là có khả năng thu hút tài trợ từ các doanh nghiệp, phần lớn những môn thể thao khác chỉ được đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua Cục Thể dục Thể thao.

Sau Olympic Paris 2024, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho biết ngành thể thao sẽ có những đánh giá, phân tích với các đội tuyển thể thao quốc gia đã dự Olympic vừa qua để có cái nhìn thực tế nhất về chuyên môn, từ đó đưa ra giải pháp để có đầu tư trọng điểm với những môn và nội dung thi đấu mà chúng ta hướng tới mục tiêu cao trong tương lai.

"Ngành thể thao Việt Nam cần có sự chung tay, tham gia của các doanh nghiệp trong việc định hướng, tuyển chọn vận động viên cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm vận động viên," Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Hiện tại, Cục Thể dục Thể thao đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD tới năm 2030, định hướng tới năm 2045./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trang-huy-chuong-o-olympic-the-thao-viet-nam-can-thay-doi-gi-post970140.vnp
Zalo