Trang điểm ảo, lái xe ảo với công nghệ AR
L'Oreál sử dụng công nghệ AR để mang đến trải nghiệm thử trang điểm ảo, tạo ra hình ảnh kỹ thuật số khiến khách hàng như đang trang điểm thực sự.
Công nghệ AR được ứng dụng rộng rãi trong các trò chơi như Pokémon Go, nơi người chơi có thể tìm và bắt các quái vật ảo có vẻ như sống trong các địa điểm thực tế khi nhìn qua màn hình điện thoại di động.
Các doanh nghiệp cũng đã áp dụng AR một cách rộng rãi. Ví dụ, IKEA cung cấp cho khách hàng khả năng đặt đồ nội thất ảo trong nhà của họ bằng ứng dụng di động trước khi quyết định mua hàng. Tương tự, L’Oreál sử dụng công nghệ AR để mang đến trải nghiệm thử trang điểm ảo, tạo ra hình ảnh kỹ thuật số khiến khách hàng như đang trang điểm thực sự.
Mặt khác, VR đưa sự nhập vai lên một tầm cao mới. Khách hàng có thể hoàn toàn đắm chìm trong môi trường ảo mô phỏng sát với trải nghiệm thực tế. Các công ty bao gồm Volvo và BMW sử dụng VR cho các buổi lái thử ảo, trong khi The New York Times sử dụng VR để truyền tải các câu chuyện với nội dung đa phương tiện phong phú. Cả AR và VR đều thuộc khái niệm rộng hơn là thực tế mở rộng (XR), cho phép người dùng trải nghiệm nội dung kỹ thuật số trong không gian vật lý.
Ngược lại, một số công nghệ cho phép người dùng cảm nhận như đang trải nghiệm cảm giác thực tế trong môi trường kỹ thuật số. Khái niệm này được gọi là metaverse, đại diện cho khía cạnh khác của trải nghiệm toàn nhập. Nói một cách đơn giản, metaverse là một thế giới ảo mô phỏng gần giống với thế giới vật lý.
Các hình thức ban đầu của metaverse bắt nguồn từ ngành công nghiệp game, với các trò chơi thế giới ảo phổ biến như Roblox, Fortnite, Minecraft, Decentraland và The Sandbox. Những môi trường ảo này thậm chí còn cung cấp những trải nghiệm ngoài game, chẳng hạn như tổ chức các buổi hòa nhạc cho các nghệ sĩ bao gồm Marshmello, Travis Scott và Ariana Grande trong Fortnite. Tuy nhiên, khái niệm về metaverse không chỉ giới hạn ở game và giải trí vì nó có tiềm năng trở thành phiên bản nhập vai của mạng xã hội cho thế hệ trẻ.
Cả XR và metaverse đều xóa bỏ ranh giới giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số, tạo ra trải nghiệm toàn nhập cao. Chúng ta gọi đây là “metamarketing” (tiếp thị siêu kênh) − nền tảng của Tiếp thị 6.0. Tiền tố “meta” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “vượt ra ngoài” hoặc “siêu việt”.
Do đó, metamarketing được định nghĩa là một phương thức tiếp thị vượt qua ranh giới giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số, mang đến trải nghiệm toàn nhập mà ở đó khách hàng không còn nhận thấy sự khác biệt giữa hai thế giới.