Trắng đêm chờ vé về quê ăn Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết, sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người. Nhiều người gặp sự cố, phải chấp nhận đợi đến 2-3h sáng hoặc thức cả đêm chờ có người hủy vé.
22h45 tại ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất, chị Thanh Trúc (*) thức dậy sau một giấc ngủ ngắn. Người phụ nữ nhanh chóng nhìn sang quầy vé chờ bên cạnh, hỏi xem có ai hủy vé hay chưa. Nhân viên trả lời bằng cái lắc đầu quen thuộc. Gần đó, hai con trai chị đang tự chơi với nhau.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Trúc cho biết đây là lần đầu tiên sau 20 năm gia đình về quê Hưng Yên ăn Tết. Trước đó, nhà chị chỉ về vào mùa hè hoặc mùa thấp điểm để mua vé máy bay rẻ và không cần chờ đợi quá lâu.
Năm nay, nhờ làm việc cho hãng bay, chị và hai con được bay “vé nhân viên”, không cần trả 100% tiền như vé khách. Song, phải đợi đến khi có khách hủy chuyến, gia đình chị mới lên được máy bay.
“Nhân viên phải ưu tiên cho khách trước. Hôm nay đông như thế này thì ba mẹ con tôi mặc định đến sáng mai mới có vé về đến nhà. Mà chưa chắc mai đã có”, chị vừa nói vừa nhìn vào dòng người dài dằng dặc lúc 23h.
Theo số liệu từ Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 24/1, dự kiến có 1.002 chuyến bay và 150.000 hành khách thông qua cảng, đạt kỷ lục từ khi bước vào cao điểm Tết Nguyên đán 2025. Nhiều chuyến bay bị hoãn khiến lượng hành khách ùn ứ tăng cao.
“Cầu may”
Chị Trúc nói thêm bản thân ra sân bay lúc 19h, khi dòng người bắt đầu đông nghẹt. “Mỗi lần đi vé nhân viên như thế này, chúng tôi chỉ cần đợi 1-2 tiếng là có người hủy vé nhưng hôm nay đông đột biết. Đồng nghiệp của tôi may mắn hơn, ra lúc 18h, chờ 1 tiếng là được đi rồi”, chị cho biết.
Khác với ba mẹ con chị Trúc, chị Thu Hiền mua sẵn vé máy bay về Hà Nội từ trước với giá khoảng 5 triệu đồng/vé. Theo kế hoạch, mẹ con chị sẽ đi máy bay về quê trong khi chồng và em trai đi xe về trước đó 1 ngày.
Ra đến sân bay, chị mới biết bản thân vừa bị lừa. Vé chị mua online không có giá trị mà chỉ là bức ảnh được photoshop (tạm dịch: chỉnh sửa). “Tôi đến đây từ sáng, đợi cả ngày xem có ai hủy vé nhưng chẳng có chỗ nào. Giờ chỉ biết cầu may thôi”, chị Hiền nói.
Chị được đề xuất mua vé hạng thương giá, giá khoảng 10 triệu đồng/người nhưng đành từ bỏ vì tài chính không cho phép. Sau nhiều tiếng chờ đợi, cuối cùng người phụ nữ cũng mua được vé với giá khoảng 5 triệu đồng/người. Mừng như vớ được vàng, chị vội nhận thẻ rồi chạy đi rút tiền thanh toán. “Tôi còn tưởng mình không được về quê năm nay”, chị nói rồi đi nhanh ra cổng.
Cách đó khoảng 100 m, anh Minh Tuấn (*) cũng gặp tình cảnh tương tự, thậm chí còn trớ trêu hơn. Người đàn ông có lịch bay về Hà Nội lúc 21h và đến sân bay tầm 19h.
Anh cho biết bản thân đến sân bay khá sớm nhưng bị cuốn vào hàng người dài dằng dặc, còn chưa đến lượt thì đã trễ giờ lên máy bay. Song, đến lúc đó anh mới nhớ ra bản thân chỉ có đồ xách tay, không cần xếp hàng.
“Giờ tôi đứng đợi xem có ai hủy vé thì chen vào. Check-in trễ giờ thế là không bay được, tức bản thân mà cũng không nói được ai”, anh Tuấn bực dọc.
Giống như anh Tuấn, chị Hiền, anh Văn Tuyến cũng hòa vào dòng người xếp hàng trước quầy vé chờ của hãng bay, mong tìm được vé bay vào một giờ nào sớm hơn về Hà Nội.
“Tôi chấp nhận bỏ tiền cao hơn, mua vé bay lúc 23h nhưng giờ đến sân bay thì họ lại thông báo hoãn đến 2h sáng, mất cả đêm của người ta”, anh cho hay. “Tôi còn hẹn người đón ở sân bay lúc 1h, giờ dời đến sáng thì không biết làm sao. Phải xếp hàng chờ xem có vé nào sớm hơn không”.
Lịch bay 21h45 hoãn đến 3h hôm sau
Ở quầy đại diện của hãng bay khác, gia đình anh Trí Minh lại cãi nhau kinh liệt với nhân viên. “Anh nói chúng tôi photoshop là photoshop như thế nào? Vé đây còn gì? Chúng tôi có con nhỏ, đến sân bay từ sớm mà bây giờ báo hoãn đến 3h sao được. Đền tiền đi”, anh Minh lớn giọng.
Giải thích với anh, nhân viên cho biết hãng không thể bồi thường vì vé chỉ bị dời từ 23h45 đến 3h, chưa đủ 4 tiếng theo quy định. Đáp lại, anh Minh đưa vé điện tử cho nhân viên, trên vé ghi rõ giờ bay là 21h45.
Kiểm tra lần nữa, nhân viên của hãng thông báo lịch bay đã được thay đổi từ 1 tháng trước, trên vé là thông tin không chính xác. Gia đình anh Minh sau đó được yêu cầu liên hệ với đơn vị bán vé máy bay nếu muốn được bồi thường.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, anh cho biết gia đình đi từ Vĩnh Long lên TP.HCM từ 17h, đến sân bay vào khoảng 20h và lịch bay dự kiến về quê ở Đà Nẵng là 21h45. Song, đến 21h thì hãng liên tục thông báo hoãn lịch. Đến 23h hơn, thời gian bay của gia đình anh bị đổi thành 3h sáng.
Trong khi đó, lịch bay về Vinh của chị Ngọc Mai (*) lại thay đổi đột ngột. Trong ngày 24/1, chị Mai và con trai ra sân bay đến 2 lần. Lần đầu tiên, chị đến ga lúc 18h cho kịp lịch bay 20h20 để rồi nhận thông báo dời lịch đến 22h20.
Đến 21h, mẹ con chị quay lại sân bay. Lần này, nhân viên thông báo chuyến bay về Vinh của chị đã “cất cánh sớm”, phải dời đến 12h trưa hôm sau mới có thể bay.
Bức xúc vì không phải lỗi của bản thân nhưng vẫn phải dời lịch, chị Mai cãi nhau với hãng bay. Đại diện hãng đề xuất bồi thường tiền vé sau 30 ngày hoặc bay theo lịch mới.
“Tôi dành dụm cả năm giờ mới có dư tiền về quê ăn Tết, giờ đợi 30 ngày thì tiền đâu mà về? Cãi nhau không được gì, giờ phải về nhà rồi trưa mai ra sân bay lần 3 chứ biết sao”, chị nói rồi kéo vali ra ngoài.
Tính đến 23h50 ngày 24/1, khu vực check-in ở ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chật kín người. Mẹ con chị Trúc vẫn ngồi đợi. Hai con chị lúc này đã thấm mệt, dựa lên vai nhau ngủ trong khi người mẹ cố tỉnh táo, thỉnh thoảng phải nhìn sang quầy vé chờ xem có vé trống hay chưa.
(*) Tên được thay đổi để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc của nhân vật.