Trang bị kiến thức số cho học sinh ngay từ bậc THPT

Để rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học, Chương trình GDPT 2018 đã thiết kế nhiều nội dung mới, nền tảng về công nghệ thông tin để giúp người học trải nghiệm.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, Chương trình GDPT 2018 đã sớm có điều chỉnh để học sinh được học tập môn Tin học từ sớm, phục vụ nhiều ngành nghề của thị trường lao động hiện nay.

Theo ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, (Bộ GD&ĐT) cho biết, nếu trước kia đây là môn học tự chọn, thì trong Chương trình GDPT 2018, Tin học là môn bắt buộc từ lớp 3.

"Trong chương trình giáo dục mới, có 3 mạch kiến thức liên quan đến kỹ thuật, ứng dụng và khoa học mát tính với các cấp độ tăng dần kèm theo định hướng làm nghề. Việc định hướng học tập, xác định tầm quan trọng đã được đưa ra cụ thể, rõ ràng. Điều quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng là ý thức, nỗ lực học tập của học sinh, phương pháp giảng dạy của giáo viên", ông Tô Hồng Nam cho hay.

Về định hướng ngành nghề, trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TSKH Phạm Thế Long - Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa Tin học 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá: "Tin học hỗ trợ cho hầu hết các ngành nghề liên quan tới Khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ, kinh tế, thậm chí cả các ngành nghề thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Có những kiến thức và kỹ năng Tin học như những hiểu biết và kỹ năng Word, Excel, PowerPoint sẽ theo chúng ta suốt cả cuộc đời".

Nhiều ngành nghề mới đòi hỏi chuyên môn về công nghệ thông tin (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhiều ngành nghề mới đòi hỏi chuyên môn về công nghệ thông tin (Ảnh: Hữu Thắng).

Ở đây, chuyên gia cũng đưa ra những nhóm ngành nghề cụ thể không thể thiếu kiến thức Tin học như kỹ sư phần mềm, lập trình viên, kỹ sư máy tính, chuyên viên an ninh mạng, tổ chức triển khai và quản trị các hệ thống thông tin…

Đối với ngành khoa học dữ liệu, học sinh có thể theo học phân tích dữ liệu, chuyên viên thống kê, nghiên cứu viên. Hay các nhóm ngành về truyền thông và marketing số, trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật và sản xuất thông minh,…

Để hoạt động định hướng nghề nghiệp, học tập được hiệu quả, lưu ý đối với giáo viên khi giảng dạy môn học này, ông Hà Đặng Cao Tùng – Chủ biên sách giáo khoa Tin học khối THCS, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho hay sách giáo khoa mới thiết kế nhằm tạo ra nhiều không gian để giáo viên có thể sáng tạo, chủ động. Từ đó, hướng dẫn các em học sinh tạo ra các sản phẩm.

Ở đây, theo chuyên gia người dạy nên có thể linh hoạt về sử dụng và điều chỉnh quy mô dự án, cách tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện của lớp học và trình độ của học sinh. Ngoài ra, có thể khai thác các sản phẩm mà các em đã thực hiện từ những năm học trước và có liên quan đến bài học cụ thể.

Sách giáo khoa là môn trong những công cụ đắc lực hỗ trợ giảng dạy môn Tin học.

Sách giáo khoa là môn trong những công cụ đắc lực hỗ trợ giảng dạy môn Tin học.

Thầy cô cũng có thể thông qua bài tập dự án để đánh giá điểm định kỳ, từ đó tạo động lực, hứng thú sáng tạo của học sinh.

"Đánh giá học sinh qua việc ghi nhận thành quả của các em từ các sản phẩm và hoạt động tích cực trong lớp sẽ góp phần khuyến khích, động viên tinh thần học tập của các em. Đặc biệt là giúp chia sẻ những khó khăn, vất vả mà các em gặp phải trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ", ông Hà Đặng Cao Tùng cho hay. Việc kiểm tra, đánh giá như trên cũng theo tinh thần, đáp ứng yêu cầu mới của Chương trình GDPT 2018.

Ông Hà Đặng Cao Tùng nhận định với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, việc dạy theo sách giáo khoa Tin học 9 sẽ không có gì trở ngại. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến khích, thầy cô tham gia vào các buổi tập huấn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Và tham khảo các tài liệu hướng dẫn và ngữ liệu, đây sẽ là công cụ hỗ trợ các thầy cô để khắc phục những trở ngại. Cùng với đó, để nắm bắt các phương pháp giảng dạy theo sách mới, các thầy cô có thể vào trang website taphuan.nxbgd.vn.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành công nghệ thông tin Việt Nam năm 2023 ước đạt 148 tỷ USD, tăng 13% so với 2022. Điều này tạo áp lực lớn về nhân lực.

Theo TopDev nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam tăng 47% trong năm 2023. Các lĩnh vực có nhu cầu cao nhất là phát triển web và mobile (32%), AI và Data Science (28%), và DevOps (18%). Tuy nhiên, cung không đủ cầu. Năm 2023, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 kỹ sư công nghệ thông tin, và con số này có thể lên đến 500.000 vào năm 2025.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trang-bi-kien-thuc-so-cho-hoc-sinh-ngay-tu-bac-thpt-204250104121026545.htm
Zalo