Trang bị kiến thức để lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc
Cuối năm là cao điểm mua sắm, thị trường hàng hóa sôi động hơn với những sản phẩm phục vụ Tết. Nắm bắt xu hướng này, không ít đối tượng đã lợi dụng trà trộn hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều doanh nghiệp khuyến mại, xả hàng hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng chương trình này để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất, nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Việt. Sức lôi cuốn của những loại hàng này là giá rẻ hơn rất nhiều hàng thật. Với tiêu chí "ngon - bổ - rẻ", vô tình người tiêu dùng đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP); kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho hay, hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho lực lượng chức năng.
Những giải pháp chống làm giả theo công nghệ số bây giờ rất bảo đảm và bảo mật. Sau nhiều lần nghiên cứu, Hiệp hội đã tìm ra nhiều giải pháp như giải pháp Vatapcheck.vn; bên cạnh mã QR, hiệp hội còn có cả một phần mềm chống giả…
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động sử dụng các phương án tem chống giả, chú trọng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ thương hiệu của mình trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Chia sẻ tại chương trình, bà Lê Thị Hoa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Vườn Táo cổ cho biết, khi ra mắt sản phẩm thuần Việt là Cao trà mục nhan, bà rất quan tâm đến vấn đề quyền sáng chế. Mỗi sản phẩm được chau chuốt, kỳ công từ vùng nguyên liệu cho đến kỹ thuật, công nghệ để chiết suất. Do đó, việc bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, chú trọng. Vì thế, bà đã đăng ký bảo hộ thương hiệu và có tem chống hàng giả khi phân phối sản phẩm ra thị trường.
Theo bà Lê Thị Hoa, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật; sự chủ động của doanh nghiệp, về phía người tiêu dùng cũng cần ý thức bảo vệ mình, nên chọn mặt gửi vàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật. Và quan trọng hơn cả là người tiêu dùng cần coi việc mua hàng thật, có nguồn gốc xuất xứ là đương nhiên, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Theo thống kê của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), tính từ năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý gần 3.700 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số trên 139.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ 2,6%; năm 2023, tỷ lệ này chiếm 3,7% và 9 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ lệ 4,1%.