Trang A Lử - nghệ nhân khèn Mông trên non cao Suối Giàng

Sinh ra, lớn lên ở xã Suối Giàng (Văn Chấn) - nơi có 98% dân số là người dân tộc Mông, ông Trang A Lử ở thôn Bản Mới, xã Suối Giàng là người giàu tình yêu với văn hóa Mông của dân tộc mình, nhất là với tiếng khèn Mông. Đó cũng là con đường đưa ông đến với danh hiệu nghệ nhân.

Nghệ nhân Trang A Lử biểu diễn tại không gian trưng bày văn hóa tại Đại hội dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn lần thứ IV, năm 2024.

Nghệ nhân Trang A Lử biểu diễn tại không gian trưng bày văn hóa tại Đại hội dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn lần thứ IV, năm 2024.

Nói về tiếng khèn, ông Trang A Lử say mê lắm. Ông bảo: "Với người Mông, tiếng khèn là sợi dây kết nối giữa thế giới hiện hữu với thế giới tâm linh; là nỗi lòng tự sự, là niềm vui, nỗi buồn riêng có. Và vì thế, những cây khèn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Khèn có mặt trong hầu hết các hình thức sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông. Khèn là vật trung gian để con người trao đổi tâm tư, tình cảm. Trong lễ cúng thần linh, khèn là vật kết nối giữa thế giới thực và tâm linh. Trong hội xuân, khèn là vật bất ly thân của các chàng trai Mông; cây khèn và âm thanh du dương từ khèn là công cụ quan trọng để các chàng trai tỏ tình với cô gái…”.

Bởi tình yêu với tiếng khèn Mông, những năm 1985 - 1990, ông Trang A Lử đã theo học khèn Mông từ người cùng xã. Ông còn tự học sáo, nhị. Khi đã rành rọt về khèn, ông thường xuyên tham gia thổi khèn trong các đám tang, trong các lễ hội ở địa phương.

"Tôi thường xuyên được mời tham gia biểu diễn múa khèn, nhảy khèn phục vụ lễ hội, trong đám cưới, đám hỏi, làm mối mai và hát đối đáp trong đưa, đón dâu. Những lúc rảnh rỗi, tôi đều tranh thủ ôn luyện cho tiếng khèn, điệu nhảy của mình ngày một nhuần nhuyễn, xúc cảm; đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu thêm nhiều tư liệu liên quan đến tiếng khèn” - ông Trang A Lử cho hay.

Cũng bởi giàu tiếng yêu với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Trang A Lử luôn tự nhủ với chính mình rằng không chỉ là bản thân am hiểu, nhuần nhuyễn tiếng khèn mà phải làm sao để góp phần gìn giữ tiếng khèn ấy cho thế hệ sau. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông tập hợp và truyền dạy cho thế hệ trẻ về khèn Mông. Ban đầu, ông đã truyền dạy được cho 10 người trong xã Suối Giàng. Ông còn sưu tập, cung cấp tư liệu và tích cực cùng cấp ủy, chính quyền xã Suối Giàng gìn giữ, phát huy giá trị khèn Mông.

"Năm 2023, được sự tin tưởng của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tôi được giao truyền dạy khèn cho 20 học viên tham gia Festival tại huyện Mù Cang Chải. Tôi cũng được giao truyền dạy khèn cho 20 học viên trong lớp học do nghệ nhân Giàng A Giao xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu mở tại Suối Giàng. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, học tập, tôi đã truyền dạy cúng ma chay cho 24 người trong dòng họ” - nghệ nhân Trang A Lử chia sẻ.

Không chỉ truyền dạy tiếng khèn, điệu nhảy, nghệ nhân Trang A Lử còn truyền lửa tình yêu văn hóa với nhiều học trò. Bởi vậy, đến nay nhiều người trong xã Suối Giàng từng là học trò của ông đã và đang tham gia tích cực vào việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa khèn Mông, như: anh Mùa A Chua ở thôn Bản Mới; Giàng A Châu - thôn Giàng A; Giàng A Tủa - thôn Giàng A. "Đây là những học trò tiêu biểu, đang tích cực tham gia gìn giữ, biểu diễn múa khèn, thổi sáo, kéo nhị trong các lễ hội của địa phương, trong các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng, của gia đình” - nghệ nhân Trang A Lử phấn khởi kể.

Chứng kiến những học trò của mình thấu hiểu giá trị của bản sắc văn hóa, tích cực tham gia giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Trang A Lử càng có thêm động lực để tiếp tục gìn giữ những nét đẹp của tiếng khèn, điệu nhảy, tiếng sáo, nhị của người Mông.

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/325001/trang-a-lu---nghe-nhan-khen-mong-tren-n111n-cao-suoi-giang.aspx
Zalo