Trấn Yên: Triển vọng kết nối, phát triển bền vững

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ dừng lại ở mục tiêu tinh giản bộ máy mà còn mở ra triển vọng mới về một không gian kinh tế năng động, đồng bộ và bền vững. Việc sáp nhập các xã liền kề về địa lý, có sự tương đồng về văn hóa, kinh tế và hạ tầng được kỳ vọng sẽ tạo nên những vùng phát triển có sức bật mạnh hơn, cả về quy mô và chất lượng.

Lãnh đạo xã Vân Hội, huyện Trấn Yên kiểm tra đầm Vân Hội chuẩn bị phục vụ khách du lịch.

Lãnh đạo xã Vân Hội, huyện Trấn Yên kiểm tra đầm Vân Hội chuẩn bị phục vụ khách du lịch.

Huyện Trấn Yên có diện tích tự nhiên 629,23 km2, quy mô dân số thường trú là 96.124 người - theo số liệu quản lý của Công an tỉnh tính đến ngày 31/12/2024. Hiện nay, huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm thị trấn Cổ Phúc và các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Thành Thịnh, Hòa Cuông, Minh Quán, Cường Thịnh, Quy Mông, Y Can, Kiên Thành, Minh Quân, Việt Cường, Vân Hội, Việt Hồng, Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Thịnh.

Lấy ví dụ từ việc thành lập xã Việt Hồng trên cơ sở sáp nhập các xã Việt Cường và Vân Hội. Khi được gộp thành một đơn vị hành chính duy nhất, vùng đất này sẽ trở thành một xã với dân số gần 11 nghìn người và sở hữu tiềm năng, mở ra cơ hội phát triển, không gian kinh tế rộng mở trên tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp - lâm nghiệp - sản xuất tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Cụ thể về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng sản xuất sau sáp nhập có trên 5.000 ha, tập trung là cây nguyên liệu chế biến gỗ như keo, bồ đề... gắn với phát triển sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo chuỗi giá trị trồng - khai thác - chế biến được hình thành ở phạm vi rộng, quy mô lớn với các cơ sở chế biến, chế biến sâu về gỗ hoạt động hiệu quả.

Từ phát triển diện tích rừng trồng sản xuất đã thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là các hoạt động chế biến gỗ, gắn liên kết chuỗi giá trị; từ cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ như bóc ván, băm dăm... tới chế biến sâu như ván ép xuất khẩu, vàng mã xuất khẩu... nâng cao giá trị rừng trồng và hiệu quả kinh tế rừng.

Cùng đó là hình thành vùng sản xuất quế tập trung quy mô trên 3.000 ha, mở ra hướng sản xuất quế theo hướng hữu cơ gắn với việc hình thành các cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ quế phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho lao động tại chỗ của địa phương.

Song song, vùng sản xuất tập trung với một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao được hình thành như: vùng trồng măng tre Bát Độ trên 100 ha; vùng trồng dâu, nuôi tằm, nuôi trồng thủy sản đặc sản như cá tầm, ốc nhồi... phát huy lợi thế vùng tự nhiên với dư địa sẵn có từ nguồn nước đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Một trong những tiềm năng, thế mạnh nữa trong phát triển kinh tế được mở ra sau sáp nhập là du lịch, dịch vụ, thương mại. Xã Việt Hồng mới là địa phương thuộc vùng chiến khu cách mạng có Di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần với 4 điểm: Gò cọ Đồng Yếng, gốc vải Đình Trung, Nhà ông Trần Đình Khánh, Hang Dơi đã và đang được các địa phương trước sáp nhập quan tâm làm tốt việc khai thác các tour du lịch.

Tới đây, với việc định hướng phát triển các cơ sở homestay, kết hợp các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, sinh thái như: đầm Vân Hội, rừng tự nhiên Bản Nả, khám phá Hang Dơi cùng với du lịch tâm linh từ các lễ hội như: Lễ hội đình Làng Dọc, chùa Minh Phú, đình Việt Cường...

Không chỉ vậy, xã Việt Hồng mới có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng với vị trí rất thuận lợi, kết nối tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tỉnh lộ 172 (Hợp Minh - Mỵ), mở ra cơ hội thu hút đầu tư với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Điển hình là Tập đoàn TH True Milk đã có chủ trương đầu tư về lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng tại xã Việt Cường và Vân Hội cũ. Hiện dự án đang được triển khai và đã có quy hoạch cụ thể, thực hiện cơ bản công tác giải phóng mặt bằng.

Theo nhận định, du lịch sau sáp nhập có nhiều lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, việc phát triển mạnh du lịch tâm linh kết hợp với du lịch cộng đồng, dự kiến sau sáp nhập sẽ thu hút gần 21 nghìn lượt khách, cho doanh thu uớc tính hơn 16 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Sau khi sắp xếp, huyện từ 18 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 5 đơn vị đã góp phần tinh giản bộ máy, biên chế đồng thời tiết kiệm được nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tại các địa phương trong những năm tiếp theo. Có thể khẳng định rằng, việc sáp nhập xã không chỉ là một giải pháp hành chính mà còn là một "cú huých” chiến lược giúp tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý và tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành các vùng kinh tế sẽ giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân”.

Sáp nhập các xã là khởi đầu và mở ra những vấn đề mới - nơi các vùng đất từng riêng rẽ nay được kết nối để phát triển bền vững, toàn diện và đầy triển vọng.

Trần Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/239/349993/tran-yen-trien-vong-ket-noi-phat-trien-ben-vung.aspx
Zalo