Trăn trở từ những vụ án hủy hoại rừng

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng xâm phạm, hủy hoại rừng và đất rừng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, ghi nhận nhiều vụ việc phá rừng, hủy hoại đất rừng nghiêm trọng.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng xâm phạm, hủy hoại rừng và đất rừng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, ghi nhận nhiều vụ việc phá rừng, hủy hoại đất rừng nghiêm trọng.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân xóm Hang Kia, xã Hang Kia.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân xóm Hang Kia, xã Hang Kia.

Điển hình như vụ việc Lường Văn Thơ (sinh năm 1977), trú tại xóm Ênh, xã Tân Minh (Đà Bắc) có hành vi hủy hoại diện tích lớn rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ở địa phương. Theo đó, do có nhu cầu về đất để canh tác nông nghiệp nên Lường Văn Thơ nảy sinh ý định chặt phá cây rừng tại khu vực rừng Suối Đinh, thuộc xóm Ênh, xã Tân Minh. Mặc dù biết rõ khu vực này là rừng phòng hộ do UBND xã Tân Minh quản lý và biết rõ việc chặt, phá rừng phòng hộ trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng Thơ vẫn cố tình thực hiện. Lường Văn Thơ đã thuê nhiều người dân đến chặt phá và trả công cho họ. Thơ còn sử dụng cưa máy để cắt phá những cây to không thể dùng dao chặt. Sự việc sau đó được báo cáo đến cơ quan chức năng địa phương. Kết quả khám nghiệm xác định diện tích rừng bị Lường Văn Thơ hủy hoại là 8.718,4m2.

Ngày 15/10 vừa qua, đại diện các hộ dân xóm Ba Nội, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) gửi đơn đến các cơ quan chức năng của thành phố và của tỉnh tố cáo ông Đinh Hồng Hạnh, người cùng xóm vì có hành vi hủy hoại rừng, đất rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ. Liên quan đến việc này, bà Bùi Thị Thìn, người dân xóm Ba Nội bức xúc: Diện tích đất rừng bị phá, hủy hoại được xác định là đất rừng phòng hộ, là khu vực đầu nguồn nước phục vụ cuộc sống của 90 hộ dân trong xóm. Khu vực này trước đây được cha ông chúng tôi bảo vệ, đến thế hệ chúng tôi và con cháu chúng tôi cũng chung tay bảo vệ. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà chặt phá rừng, hủy hoại đất rừng gây bức xúc cho người dân.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Thẩm phán Vũ Văn Túc, Thẩm phán trung cấp Tòa án nhân dân tỉnh, người từng là chủ tọa nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến hành vi hủy hoại rừng khi còn công tác tại huyện Đà Bắc chia sẻ: Từ thực tế các vụ án hủy hoại rừng cho thấy, các đối tượng liên quan đều là người dân tộc thiểu số. Những vụ án được đưa ra xét xử về tội danh này trong thời gian qua luôn khiến những người tiến hành tố tụng và tham gia phiên tòa phải trăn trở, bởi lẽ "động cơ" gây án của các bị cáo rất giản đơn, xuất phát từ nhu cầu có đất để canh tác với mong muốn thoát khỏi nghèo đói, nhưng hậu quả của hành vi rất nghiêm trọng. Nhiều diện tích rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị phá hoại bởi sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của người dân. Từ bao đời, người dân quen với rừng và sống phụ thuộc vào rừng. Pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng ngày càng chặt chẽ, nghiêm khắc, song nhiều người dân còn mơ hồ, chủ quan, thậm chí là liều lĩnh trong việc khai thác, bảo vệ rừng.

Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu: Những năm gần đây, các vụ án liên quan đến tội danh "Hủy hoại rừng”, "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra trên địa bàn huyện đều được đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng không chỉ bằng các bản án nghiêm khắc, mà cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để giải quyết được các nhu cầu cơ bản của người dân sinh sống trong vùng có rừng, giải quyết vấn đề việc làm, tạo sinh kế để người dân có đời sống ổn định, nhất là đối với địa bàn huyện miền núi diện tích đất canh tác thiếu, vẫn còn xảy ra tình trạng di canh, xâm canh chưa được ngăn chặn, giải quyết triệt để. Các vụ án liên quan đến hành vi "Hủy hoại rừng”, "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” chính là sự cảnh báo dành cho những người đang còn mơ hồ, chủ quan và cả những đối tượng có hành vi khai thác, hủy hoại rừng trái phép.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/195108/tran-tro-tu-nhung-vu-an-huy-hoai-rung.htm
Zalo