Trăn trở bài toán bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam bộ, là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Cần Thơ. Tuy nhiên, so với thời kỳ trước, văn hóa chợ nổi Cái Răng đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây.
Chợ nổi Cái Răng
Nét đẹp văn hóa vùng sông nước
Chợ nổi Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, là một trong những chợ nổi lớn nhất và nổi tiếng nhất tại miền Tây Nam bộ.
Những phiên chợ nổi từ sáng sớm với cảnh ghe xuồng tấp nập, người dân thoăn thoắt trao đổi hàng hóa như trái cây, nông sản, và những câu nói mang âm sắc miền Tây đã rất đỗi thân thương với người dân nơi đây.
Điều làm nên sự khác biệt của chợ nổi Cái Răng so với các chợ khác là cách thức giao dịch. Người mua không cần phải lên bờ, mọi việc trao đổi đều diễn ra ngay trên ghe thuyền.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu Văn hóa Nhâm Hùng cho biết: Chợ Nổi trước đây bán rất nhiều loại hàng hóa, đa ngành hàng, nhưng bây giờ chỉ còn bán các loại rau, củ. Trái cây cũng không còn nhiều như trước.
"Nếu cách đây 10 năm, thì có khoảng 400-500 phương tiện xuồng ghe buôn bán, nhưng bây giờ cũng đâu đó cũng đã giảm khủng khiếp, chỉ còn đâu đó vài chục đến vài trăm. Văn hóa hát hò, dân ca, đờn ca tài tử hầu như cũng chẳng còn", ông Nhâm Hùng nói.
Trong vài thập kỷ qua, chợ nổi Cái Răng đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt. Với sự phát triển của giao thông đường bộ và các phương thức vận chuyển hiện đại, vai trò của chợ nổi như một trung tâm giao thương chính dần bị giảm đi.
Hiện nay, chợ nổi Cái Răng không còn là nơi buôn bán sầm uất như xưa mà đã chuyển mình thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Sự phát triển của ngành du lịch đã mang đến cho người dân địa phương nhiều cơ hội kinh tế mới, nhưng cũng kéo theo sự mai một của một số giá trị văn hóa truyền thống.
Chợ nổi dần thành ... chợ du lịch
Khi giao thông đường bộ trở nên thuận tiện hơn, nhiều người dân và thương lái dần chuyển sang hình thức buôn bán tại các chợ cố định. Điều này đã làm giảm đáng kể số lượng thương lái hoạt động tại chợ nổi, từ đó dẫn đến lo ngại về tương lai của nét văn hóa truyền thống này.
Ngoài ra, sự phát triển của ngành du lịch cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho chợ nổi Cái Răng. Với danh tiếng là một trong những điểm đến nổi bật của miền Tây Nam bộ, chợ nổi đã thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn cả quốc tế.
Du lịch hóa đã mang đến một bộ mặt mới cho chợ nổi, với sự xuất hiện của nhiều dịch vụ du lịch như các tour thuyền đưa khách đi tham quan chợ, nhà hàng và quán ăn nổi phục vụ trực tiếp trên ghe thuyền.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Võ Thanh Tân, hướng dẫn viên Du lịch tại Tp.Cần Thơ cho biết, khoảng thời gian trước năm 2010 khi giao thương đường bộ và công nghệ thông tin chưa phát triển, chợ nổi vẫn giữ được nét hồn xưa với nhiều ghe tàu chở nông sản từ khắp nơi, đặc biệt sôi động vào dịp Tết.
Những mặt hàng như bông vạn thọ, dưa hấu vàng, quýt Hồng, và bưởi Mỹ Hòa được trao đổi sôi nổi suốt cả ngày, tạo nên không khí tươi vui, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây".
Tuy nhiên, qua thời gian, với sự phát triển của đường bộ và phương tiện hiện đại, ghe tàu ở chợ nổi giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30% so với trước. Các phương tiện vận tải lớn như xe tải, container đã dần thay thế ghe bầu, ghe hầu, do tiện lợi hơn và không phụ thuộc vào thời tiết hay con nước.
"Thêm vào đó, giới trẻ hiện tại không còn hứng thú với việc học lái ghe tàu mà thay vào đó chọn phương tiện hiện đại hơn như xe máy và ô tô. Điều này khiến chợ nổi dần mai một, ảnh hưởng đến nét văn hóa truyền thống đặc trưng của khu vực", anh Tân nói thêm.
Sự chuyển hướng sang mô hình du lịch cũng khiến cho bản sắc văn hóa gốc của chợ nổi bị phai mờ phần nào. Thay vì là nơi người dân địa phương tập trung mua bán như trước, chợ nổi Cái Răng hiện nay phục vụ chủ yếu cho du khách, khiến hoạt động buôn bán thực chất giảm sút.
Nhiều du khách khi đến đây cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến chợ vắng người mua, và chỉ còn lại những chiếc thuyền "diễn xuất" cho khách du lịch. Đây chính là những áp lực mà chợ đang gặp phải.
Tương lai của chợ nổi Cái Răng
Trước sự thay đổi của chợ nổi Cái Răng, chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của chợ.
Một trong những động thái quan trọng là việc công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Việc này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa của chợ mà còn thúc đẩy quá trình bảo tồn, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến chợ nổi.
Các chương trình du lịch cộng đồng và giáo dục du khách về giá trị văn hóa của chợ nổi cũng được triển khai. Những tour du lịch tập trung vào trải nghiệm cuộc sống thực của người dân sông nước, thay vì chỉ tham quan chợ như một điểm du lịch thông thường.
Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng cân bằng giữa nhu cầu phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa, nhằm giữ vững bản sắc của chợ nổi.
Ngoài ra, những chương trình lễ hội đặc sắc của miền Tây, như lễ hội Bánh Dân Gian Nam bộ, đã giúp quảng bá thêm hình ảnh của chợ nổi và văn hóa địa phương.
Những sự kiện này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo động lực cho thương lái và người dân tiếp tục duy trì hoạt động tại chợ.
Trước những thay đổi về kinh tế và du lịch, câu hỏi về việc chợ nổi Cái Răng có còn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống hay không vẫn là một vấn đề đáng suy ngẫm. Mặc dù chợ đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không thể phủ nhận rằng nó vẫn là một biểu tượng quan trọng của văn hóa miền Tây.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết: "Cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc bảo tồn và khôi phục những giá trị nguyên bản của chợ nổi. Điều này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức văn hóa mà còn cần sự tham gia của người dân địa phương và cộng đồng thương lái, kể cả kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc cân bằng giữa phát triển du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa là yếu tố then chốt để chợ nổi Cái Răng không mất đi vẻ đẹp vốn có".
Du lịch hóa không phải là điều xấu nếu được quản lý đúng cách. Thay vì biến chợ nổi thành một điểm tham quan đơn thuần, việc giữ lại và tái tạo các hoạt động buôn bán truyền thống có thể tạo ra một mô hình phát triển bền vững.
Khách du lịch sẽ không chỉ đến để nhìn mà còn để trải nghiệm và hiểu về văn hóa bản địa. Chính điều này sẽ giúp duy trì nét đẹp của chợ nổi và truyền bá giá trị văn hóa của nó đến thế hệ sau.
Chợ nổi Cái Răng không chỉ là một điểm giao thương sông nước mà còn là di sản sống, là câu chuyện về một thời kỳ lịch sử, về con người và vùng đất sông nước Nam bộ. Dù cho sự thay đổi của thời gian và sự phát triển hiện đại đang tác động mạnh mẽ đến chợ, vẻ đẹp và giá trị của nó vẫn luôn tồn tại trong trái tim những người yêu thích văn hóa sông nước.
Tại buổi họp báo thường kỳ cung cấp thông tin quý 2 năm 2024 do UBND Tp.Cần Thơ tổ chức chiều 29/7, bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.Cần Thơ thông tin với báo chí, chợ nổi là nơi giao dịch giữa các thương hồ, khi đường bộ phát triển thì sẽ dần mai một. Tuy nhiên giá trị văn hóa di sản chợ nổi này cần có kế hoạch để bảo tồn. Thời gian tới, Tp.Cần Thơ sẽ phối hợp chặt với sở ngành rà soát lại, để tham mưu hoạt động bảo tồn và du lịch song song. Vì nếu chỉ phát triển du lịch thì không bảo tồn được chợ nổi Cái Răng thời gian tới.