Trần Long Ẩn: Dấu ấn 'Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa'

Bạn bè, những người yêu quý và khán giả tại TP Hồ Chí Minh đã có một đêm giao lưu âm nhạc ấm áp với chủ đề 'Trần Long Ẩn - Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa' trong tuần qua. Những bài hát nổi tiếng của ông như Đàn sáo Hậu Giang, Xin làm người hát rong, Tình đất đỏ miền Đông, Mừng tuổi mẹ... được cất lên trên nền sân khấu dựng bởi nhiều hiệu ứng âm thanh, ánh sáng nghệ thuật đã làm nên sự ấn tượng, chất lượng cho đêm nhạc.

Người thân, bạn bè chúc mừng nhạc sĩ Trần Long Ẩn tại đêm nhạc

Người thân, bạn bè chúc mừng nhạc sĩ Trần Long Ẩn tại đêm nhạc

ÂM NHẠC TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM

Trên 50 năm sáng tác, hơn 100 ca khúc với nhiều chủ đề, nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, giành được nhiều giải thưởng cao về âm nhạc nói riêng và văn học - nghệ thuật nói chung, ông là nhạc sĩ đạt giải thưởng Nhà nước năm 2007. Nhưng, hơn cả giải thưởng, những tác phẩm của Trần Long Ẩn xứng với hình ảnh “con tằm rút ruột nhả tơ” khi công chúng vẫn yêu mến nói về nghệ sĩ; âm nhạc của ông là thứ âm nhạc chắt ra từ trái tim và đọng lại trong nhiều trái tim. Trong đêm nhạc chủ đề của ông, điều đó được ghi nhận bởi những tràng pháo tay kéo dài không dứt, ghi nhận bởi khi cất lên nhiều khúc hát nhiều khán giả hòa theo với sự xúc động dâng trào.

Nhìn lại cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, được sống, được hát, được sáng tác cho bạn bè, người thân, cho quê hương, đất nước vẫn luôn là niềm vui lớn nhất của ông. Vào những năm 1970, nhạc sĩ Trần Long Ẩn là một trong những con chim đầu đàn của Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” - một phong trào âm nhạc đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn và đô thị miền Nam. Những dấu ấn của giai đoạn này trong “gia tài âm nhạc” của ông là ca khúc Người mẹ Bàn Cờ (phổ thơ Nguyễn Kim Ngân), Hát trên đường tranh đấu... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, người bạn tri kỷ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ: “Tôi và anh Trần Long Ẩn từng có những khoảng thời gian như bóng với hình. Chúng tôi gặp nhau vào dịp thành phố tổ chức đêm đầu tiên chương trình Hát cho đồng bào tôi nghe. Đó là đêm chúng tôi đặt tên phong trào ca hát của học sinh, sinh viên nhằm góp sức đánh giặc là “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Chúng tôi cùng nhau xuống đường, cùng thức suốt những đêm không ngủ, cùng nhau đốt lửa căm thù, cùng ở cạnh nhau và cất lên tiếng hát với nhau... Tiếp đó, chúng tôi chịu bao thiếu thốn, khổ cực như bao anh chị đi vào chiến khu đã chịu, cùng học thầy Lưu Hữu Phước. Những ngày tháng đó tôi tin không thể nào chúng tôi quên”... Cho đến khi ở cương vị lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, ông vẫn cùng thường anh chị em nghệ sĩ đi suốt các hành trình lên rừng, xuống bể, ra đảo xa để cùng tổ chức những đêm nhạc hát cho người dân, chiến sĩ, để tìm cảm hứng sáng tạo mà không nề hà tuổi cao, sức yếu.

PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: "Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, chúng tôi đã có thời gian khá lâu làm việc cùng nhau. Với tôi, có hai điều đặc biệt khi nói về anh: Nếu nói về âm nhạc thì nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người biết chắt lọc những tinh hoa của cuộc sống, chắt lọc những yêu thương trong trái tim, nhịp đập của cuộc sống, của quê hương, đất nước để viết thành những nốt nhạc, những giai điệu có đặc thù của riêng mình và không thể trộn lẫn vào đâu được. Đó là tính dân gian, tính dân chủ, tính nhân văn, tính nhân dân nhưng đồng thời có một nét gì rất riêng của một nhạc sĩ trên hành trình sáng tạo cá nhân mình. Một điều nữa tôi muốn nói - Tại sao nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại có những tác phẩm, giai điệu sâu lắng đi vào lòng người như thế? Đó là bởi nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong nhiều năm luôn là người xê dịch, anh rất tích cực trên mọi nẻo đường từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam và cả đến các nước bạn như Campuchia, Trung Quốc... Đi đến đâu anh cũng để lại những dấu ấn, những giai điệu xúc động, dù đó có thể là những nơi anh đến lần đầu như Sapa, Lào Cai, Yên Bái... Điều đó cho chúng ta thấy rằng, sự thành công trong một bài hát có thể chỉ trong năm bảy phút nhạc thôi, có thể chỉ ghi chép vừa một tờ giấy A4 thôi nhưng đó là sự chắt lọc của một trái tim, cuộc sống, của một con người yêu quê hương đất nước và bên cạnh đó còn là tài năng hiếm có của một nhạc sĩ.

Chương trình đêm nhạc chân dung nhạc sĩ "Trần Long Ẩn - Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa" do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh - Hội Âm nhạc thành phố - Đài Truyền hình thành phố - Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố - Ban Ca nhạc Đài Truyền hình thành phố phối hợp tổ chức vào tuần qua, nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng những sáng tác của ông. Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng.

DẤU ẤN ÂM NHẠC TRIẾT LUẬN - TRỮ TÌNH

Nhận xét về con đường sáng tác của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhiều nhạc sĩ lão thành cho rằng: “Trần Long Ẩn có một bản sắc riêng trong ngôn ngữ âm nhạc, giai điệu của anh thường gần gũi với chất liệu âm nhạc miền Nam bởi sự chủ tâm khai thác, tìm tòi và có thêm nhiều sáng tạo để biến thành của chính mình”. Quê Bình Định nhưng gắn bó nhiều với vùng đất phương Nam, có thể thấy phong cách âm nhạc của Trần Long Ẩn chịu ảnh hưởng nhiều bởi dân ca Nam Bộ. Nhưng ông không bó khung trong những sáng tác đậm chất dân ca. Hiếm có nhạc sĩ nào sáng tác nhiều phong cách và đều có thể thành công với nhiều phong cách tưởng như riêng biệt như nhạc sĩ Trần long Ẩn. Với Xin làm người hát rong, Một đời người, một rừng cây... nổi bật với phong cách triết luận; Đàn sáo Hậu Giang, Tình đất đỏ miền Đông... đậm chất dân ca Nam Bộ; sâu lắng, trữ tình với Mừng tuổi mẹ, Trên mảnh đất tình người...

Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mỗi ca khúc đều gắn liền với một hay nhiều câu chuyện, câu chuyện đời chung hoặc câu chuyện tình riêng đều là thông điệp đầy lạc quan về con người. Sáng tác của ông đi vào lòng người cũng bởi chính những câu chuyện riêng - chung gặp nhau ở lòng tha thiết yêu quê hương, yêu con người, gặp nhau ở những khát khao sống đẹp, sống cống hiến. Điều này có thể thấy ở những ca khúc có sự lan tỏa hàng chục năm qua của ông.

Khi nói về ca khúc quen thuộc Một đời người, một rừng cây, nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ: “Tôi đã đi ngược chiều đường Trường Sơn về phía Bắc trong năm 1974. Tôi đã thấy rất nhiều cây cổ thụ bị bom đạn giặc làm trơ trụi cành lá nhưng cây vẫn còn đứng yên thầm lặng, và trên những thân cành gãy đổ đã lâu những cụm lan đủ màu đã mọc ra ở đó dài hàng thước. Ý tôi muốn nói đến những thế hệ cha ông ta đã vô cùng dũng cảm chịu mọi hi sinh, thử thách để cho con cháu là những cụm lan rừng tươi tốt, những bầy chim kéo về làm tổ, hát ca yêu đời...

Và tôi bỗng nhớ đến những rừng đước, rừng tràm ở duyên hải miền Tây. Đặc điểm của cây đước là trồng gần nhau thân lên mới thẳng. Nếu trồng xa nhau, thân lên sẽ thấp, cong queo, và đôi khi vô dụng. Những loài cây ấy sống ở những vùng đất gian khổ, đất phèn, đất chua mặn mà các loại cây khác không sống được. “Có một cây là có rừng” là vì cây đước sẽ có trái, trái chín rụng, cắm thẳng xuống đất, mọc lên thành rừng đước con quanh cây đước mẹ, và rễ của nó bám đất rất chắc chắn. Suy nghĩ về đời sống của cây đước, cây tràm, tôi nhớ về đời người, nhất là những con người trẻ trung đang ở những nơi gian khổ nhất để gìn giữ bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương. Chính họ sẽ đẹp mãi như rừng đước, rừng tràm, như rừng mai rạng rỡ khi mùa xuân về…

Từ những câu chuyện về những rừng cây, những thân cây, nhạc sĩ có suy nghĩ sâu sắc tới phận người. Để từ nội dung đó, giai điệu bài hát nhẹ nhàng, đầy tự sự, theo nhạc sĩ là “giai điệu phải đẹp đẽ, bóng bẩy, mang tính chất tự sự trí tuệ”: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không em? phải không anh?”…

Trần Long Ẩn là một trong những nhạc sĩ thường viết cả nhạc và lời cho ca khúc của mình. Do đó, có thể thấy sự đồng nhất khi cả nhạc lẫn lời đều rút ra từ một trái tim. Hầu hết ngôn từ trong ca khúc của ông đều có tính ẩn dụ rất cao. Chính vì vẻ đẹp câu chữ, nhiều khi thấy trong nhạc sĩ Trần Long Ẩn có bóng dáng thi nhân: "Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày con xa mẹ càng gần. Rồi một chiều kia, tóc trắng mẹ bay. Như gió, như mây bay qua đời con. Như gió, như mây bay qua thời gian. Ôi mẹ của con!" (Mừng tuổi mẹ).

* * *

Nhìn lại suốt hành trình đi, sống và sáng tác của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, có thể thấy tấm lòng thiết tha, chân thành, hết mình của một nhạc sĩ lớn. Vậy nhưng, sau những thành công - mà thành công lớn nhất vẫn là có nhiều tác phẩm in dấu trong lòng người, thì người nhạc sĩ ấy vẫn giữ một thái độ hết sức khiêm nhường, chân thành như bản tính cố hữu của mình: “Cũng đành xin làm người hát rong”, để được cất lên những giai điệu “hát yêu thương con người”. Đó là tâm thế đáng trọng với một tên tuổi trong âm nhạc Việt Nam.

KHÔI NGUYÊN THẢO

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202407/tran-long-an-dau-an-tieng-hat-tu-mat-troi-va-anh-lua-3b5270e/
Zalo