Trận đánh quyết định của Liên Xô năm 1945 đặt dấu chấm hết cho phát xít Đức
Tháng 4/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch tấn công Berlin sau khi đánh tan phòng tuyến cuối cùng của Đức phía Đông. Trận đánh mang tính quyết định và biểu tượng này đã dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ phát xít. Ngày 8/5 (giờ Berlin), Đức đầu hàng vô điều kiện, khép lại Thế chiến II tại châu Âu.
<< Chiến dịch Bagration: Đòn hủy diệt của Liên Xô khiến Đức thảm bại năm 1944
Bước sang năm 1945, Hồng quân đã vượt sông Vistula, giải phóng toàn bộ Belorussia, phần lớn Ba Lan, áp sát Đông Phổ, vùng đất cốt lõi của nước Đức Quốc xã. Phát xít Đức, dù đã suy yếu nghiêm trọng, vẫn ngoan cố chống trả. Nhưng giờ đây, thế trận đã đảo chiều hoàn toàn: Đức từ một cường quốc chiến tranh chớp nhoáng trở thành kẻ bại trận co cụm, còn Liên Xô từ thế bị vây ép năm 1941 nay đã trở thành lực lượng tấn công chủ lực của phe Đồng minh ở lục địa châu Âu.

Binh sĩ Liên Xô tại Đông Phổ. Ảnh: Sputnik
Tiến về Berlin – những đòn quyết định khiến Đức quốc xã sụp đổ
Tháng 1/1945, Hồng quân mở màn Chiến dịch Vistula-Oder. Chỉ trong vài tuần, quân đội Liên Xô đã tiến sâu gần 500km vào lãnh thổ Đức, quét sạch 35 sư đoàn Đức, giải phóng phần lớn Ba Lan và tới đầu tháng 2 đã áp sát Berlin. Bộ chỉ huy Đức Quốc xã buộc phải điều chuyển khẩn cấp lực lượng từ các mặt trận khác, kể cả từ Mặt trận phía Tây, để bảo vệ thủ đô.
“Việc Hồng quân xuất hiện chỉ cách Berlin 70 km đã khiến người Đức hoàn toàn kinh ngạc. Khi đơn vị tiên phong của Tập đoàn quân số 5 đột nhập vào thị trấn Kienitz, lính Đức vẫn thong dong đi trên phố, nhà hàng đầy sĩ quan. Tàu vẫn chạy đúng giờ, thông tin liên lạc vẫn hoạt động như thường”, Thống chế Georgy Zhukov nhớ lại.
Cùng lúc đó, trận đánh đẫm máu ở Đông Phổ cũng được phát động. Quân Đức đã biến nơi đây thành một pháo đài gần như bất khả xâm phạm và Hồng quân chịu tổn thất lớn, nhiều sư đoàn chỉ còn chưa đến nửa quân số sau tháng đầu giao tranh. Tuy nhiên, các cụm quân Đức ở đây cuối cùng cũng bị chia cắt và dồn về phía biển Baltic. Dù hải quân Liên Xô không thể phong tỏa hoàn toàn, nhưng Hồng quân đã đánh chiếm được Königsberg vào ngày 9/4. Hơn 90.000 quân Đức bị bắt làm tù binh.
“Không ai ngờ một pháo đài như Königsberg lại thất thủ nhanh như vậy. Bộ chỉ huy của Liên Xô đã lập kế hoạch và tổ chức chiến dịch một cách xuất sắc”, Tư lệnh thành phố Königsberg, Otto Lasch, thừa nhận trong cuộc thẩm vấn.

Hồng quân Liên Xô tiến vào Königsberg. Ảnh: Sputnik
Để bảo đảm cho mũi tiến công của Phương diện quân Belarus 1 do Thống chế Zhukov chỉ huy không bị đánh vu hồi khi tiến về Berlin, Hồng quân đã mở chiến dịch tiêu diệt cụm quân Đức ở Đông Pomerania. Đến ngày 31/3, quân đội Liên Xô chiến lược Danzig.
Ở hướng Nam, sau nhiều tháng giao tranh, trận chiến khốc liệt tại Budapest kết thúc vào giữa tháng 2. Thủ đô của Hungary thất thủ đồng nghĩa với việc quân Đức ở Nam Tư bị đe dọa bị bao vây, trong khi Hồng quân có cơ hội tiếp tục tiến đánh Vienna và Praha.
“Trận chiến ở Budapest cực kỳ gian nan. Chúng tôi phải bắn phá cả các tòa nhà để dọn đường, vì bọn địch cố thủ trong đó. Người Hungary thậm chí còn chiến đấu ngoan cố hơn cả lính Đức. Quân Đức vẫn có thể rút lui khi chiến tranh kết thúc, nhưng lính Hungary đã chiến đấu đến cùng”, lính xe tăng Nikolai Vershinin nhớ lại.
Ngày 6/3, phát xít Đức mở cuộc phản công cuối cùng của Thế chiến II – Chiến dịch Thức tỉnh Mùa xuân (Operation Spring Awakening), với mục tiêu giữ các mỏ dầu cuối cùng ở Hungary và Áo. Tuy nhiên, đến ngày 15/3, chiến dịch thất bại hoàn toàn. Hơn 250 xe tăng, pháo tự hành của Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6 bị phá hủy, và đơn vị này gần như bị xóa sổ.
Ngay sau đó, Hồng quân phản công, tiến đánh thủ đô Vienna. Trận chiến kéo dài một tuần, từ ngày 6/4, và kết thúc bằng chiến thắng của Liên Xô.
“Quân Đức rút nhanh khỏi các khu công nghiệp, nhưng cố thủ ác liệt ở các con phố hẹp. Nhà máy ô tô là một điểm tử thủ, lính Đức nấp trong hầm và trút hỏa lực như mưa. Nhưng những người lính của chúng tôi đã giải phóng từng ngôi nhà một, từng con phố một, dồn quân Đức vào bờ sông Danube”, Tướng Ivan Moshlyak chỉ huy Sư đoàn súng trường Cận vệ số 62, nhớ lại.
Sau khi giải phóngVienna, Hồng quân tiến sâu về phía Tây, đến sông Enns và tại đây họ gặp quân Mỹ vào ngày 8/5.
Phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện
Trong khi đó, hơn 2 triệu quân Liên Xô đã được huy động cho chiến dịch đánh chiếm Berlin, nơi 800.000 quân Đức, lực lượng SS và dân quân Volkssturm cố thủ.
Sau khi vượt qua nhiều tuyến phòng ngự, Hồng quân bao vây hoàn toàn Berlin vào ngày 25/4. Giao tranh ác liệt trên từng con phố kéo dài nhiều ngày. Trận đánh vào tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) nổ ra vào ngày 30/4, đúng ngày Hitler tự sát.
“Xe tăng của chúng tôi bắn thẳng vào Reichstag ở cự ly gần. Bên trong tòa nha vô cùng hỗn loạn. Lực lượng SS tinh nhiệ và cảnh vệ riêng của Hitler cố thủ đến cùng. Các trận chiến diễn ra ác liệt cho đến từng viên gạch” lính bộ binh Liên Xô Yakov Fadeyev nhớ lại.

Binh sĩ Liên Xô gần tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag). Ảnh: Sputnik
Lá cờ đỏ cắm trên nóc tòa nhà Reichstag vào ngày 1/5 dù giao tranh vẫn tiếp diễn. Đến ngày 2/5, toàn bộ lực lượng Đức ở Berlin đầu hàng.
Tuy nhiên, chiến sự chưa hoàn toàn kết thúc. Chính phủ mới của Đức dưới quyền Đô đốc Karl Dönitz ở Flensburg vẫn chỉ huy các lực lượng tại Tiệp Khắc và Áo, hy vọng đạt được thỏa thuận với các đồng minh phương Tây để tránh rơi vào tay Liên Xô.
Ngày 6/5, Phương diện quân Ukraine 1 do Thống chế Ivan Konev chỉ huy mở cuộc tiến công giải phóng Praha. Xe tăng Liên Xô hành quân cả ngày lẫn đêm, vượt hơn 50 km mỗi ngày. Ngày 8/5, quân đội Liên Xô chiếm Dresden, và ngày 9/5 tiến vào Praha giữa sự chào đón nồng nhiệt của người dân.
Ngay cả sau khi Đức đầu hàng, vẫn có hàng chục vạn lính Đức không chịu buông súng. Khoảng 200.000 quân Đức vẫn cố thủ ở vùng Courland, Latvia dù bị bao vây từ tháng 10/1944 và phải đến ngày 9/5 mới chịu đầu hàng.
“Chúng tôi biết chiến tranh kết thúc là nhờ… lính Đức. Chúng tôi đang tiến dọc bờ biển thì không hiểu tại sao bên chiến hào của Đức lại ồn ào, náo nhiệt như vậy. Thì ra họ đã nghe tin chiến tranh kết thúc. Chúng tôi nhận ra điều đó qua pháo hoa và tiếng súng bắn chỉ thiên... Mọi người vỡ òa trong niềm vui sướng”, lính thủy đánh bộ Pavel Klimov nhớ lại ngày hôm đó.

Thống chế Georgy Zhukov, Thống chế Bernard Montgomery và Thống chế Konstantin Rokossovsky của Liên Xô tại Berlin, ngày 12/6/1945. Ảnh: Getty
Hồng quân Liên Xô bước sang mặt trận Thái Bình Dương
Dù chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc, Thế chiến II vẫn chưa khép lại. Quân Nhật vẫn tiếp tục ngoan cố ở mặt trận châu Á.
Theo thỏa thuận tại Hội nghị Yalta vào tháng 2/1945, Liên Xô cam kết tham chiến chống Nhật trong vòng 2-3 tháng sau khi đánh bại phát xít Đức. Ngày 9/8/1945, Hồng quân mở chiến dịch chớp nhoáng tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Vượt qua sa mạc Gobi và dãy Đại Hưng An, quân Liên Xô thọc sâu vào lãnh thổ địch, chia cắt và bao vây nhiều cụm quân Nhật.
“Đến ngày 19/8, kết cục đã rõ ràng. Ba phương diện quân của chúng tôi đã đánh tan đạo quân Quan Đông khét tiếng, dù một số đơn vị Nhật vẫn ngoan cố chống trả”, thủy thủ Valentin Rychkov kể lại.
Bị bao vây cả về quân sự lẫn chính trị, Nhật Bản buộc phải đầu hàng. Ngày 2/9/1945, trên boong chiến hạm USS Missouri ở vịnh Tokyo, văn kiện đầu hàng được ký kết, đánh dấu hồi kết của cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Chiến thắng và cái giá của hòa bình
Từ Moscow đến Berlin, từ Mãn Châu đến Praha, Hồng quân Liên Xô đã đóng vai trò quyết định trong việc kết thúc Thế chiến II. Hơn 27 triệu người dân Liên Xô đã hy sinh, hàng nghìn thành phố và làng mạc bị phá hủy. Nhưng cái giá ấy đã đổi lại chiến thắng chung của nhân loại trước chủ nghĩa phát xít.