Trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức đại tá Đinh Thế Văn

Trong số những nghệ nhân của làng múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) không ai không biết đến Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn - người làm rạng danh quê hương bằng những chiến công lẫy lừng nơi chiến trường Điện Biên Phủ và dành tâm huyết cả đời cho việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật rối.

Tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ là làng Đào Thục. Nơi đây còn được biết đến với cái tên làng rối nước, với lịch sử hơn 300 năm tồn tại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề rối nước làng Đào Thục vẫn được giữ gìn và phát triển, nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng các cấp chính quyền, bên cạnh những nghệ nhân tâm huyết bảo tồn các giá trị truyền thống.

Dưới thủy đình với mái đầu đao cong vút - sân khấu múa rối nước - các nghệ nhân làng Đào Thục không chỉ biểu diễn những tích trò cổ Trâu đi cày, Lên võng xuống ngựa, Tễu bắt ác, Đánh cáo bắt vịt… mà còn sáng tạo những nội dung mới, nhắc nhở về những năm tháng hào hùng của dân tộc như Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

“Tôi soạn kịch bản Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không khoảng những năm 1993-1994, tái hiện những ngày chiến đấu ác liệt với B-52 của giặc Mỹ, trong đó bao gồm hình ảnh quật cường của quân dân ta, cảnh tên lửa phòng không, bắt giặc lái Mỹ. Khi trình diễn, tiết mục đã lôi cuốn rất đông khán giả, mang lại sự thích thú lớn”, Anh hùng biểu diễn rối nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Đại tá Đinh Thế Văn nói với phóng viên báo Tiền Phong.

Buổi biểu diễn múa rối của phường rối Đào Thục

Buổi biểu diễn múa rối của phường rối Đào Thục

Tới làng Đào Thục vào một buổi sáng tháng 5, thời điểm cả nước đang hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với người Đại tá Đinh Thế Văn, người trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Vốn là bộ đội phòng không, thật dễ hiểu tại sao ông có thể tạo nên kịch bản rối nước lôi cuốn, sinh động và chân thực đến vậy.

Hình ảnh Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn.

Hình ảnh Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn.

Đại tá Đinh Thế Văn nhập ngũ năm 1953, khi mới 16 tuổi. Dù chưa đủ tuổi, nhưng trong không khí sục sôi của thanh niên cả nước, ông vẫn xung phong lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên. Thoạt đầu bị từ chối vì thân hình quá gầy gò, nhỏ bé chưa đầy 40 kg, nhưng sự kiên trì và ý chí của ông đã giành chiến thắng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, AHLLVTND Đinh Thế Văn chiến đấu ở sư đoàn 312, tiểu đoàn 531- C268 phòng không, với nhiệm vụ bắn máy bay bảo vệ cho bộ binh đánh đồi Him Lam. Theo lời ông, khoảng thời gian đầu quân đội ta không có loại vũ khí nào hữu dụng để bắn máy bay, cao nhất chỉ có pháo 12ly7. Sau đó pháo 37 xuất hiện, quân ta bắt đầu khống chế hoàn toàn bầu trời Điện Biên, không cho máy bay địch đáp xuống Mường Thanh.

Để tiếp tế, thực dân Pháp buộc phải dùng máy bay vận tải thả từ trên cao xuống. “Chúng thả xuống đều rơi vào các trận địa rừng của quân đội ta, thành ra lương thực, thực phẩm, quân tư trang, vũ khí tiếp tế cho địch nhưng ta được hưởng”, Đại tá Đinh Thế Văn cười lớn.

“Đây là một kỷ niệm mà tôi và các đồng đội không bao giờ quên, hoặc có thể nói là những ký ức đẹp đẽ nhất cuộc đời”, ông cho biết. “Chiến đấu gian khổ ác liệt, hy sinh nhiều nhưng vui thì rất vui. Dù bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn luôn lạc quan, tin tưởng tuyệt đối cách mạng sẽ thành công, kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Đại tá, AHLLVTND Đinh Thế Văn kể về những năm tháng chiến đấu không bao giờ quên

Đại tá, AHLLVTND Đinh Thế Văn kể về những năm tháng chiến đấu không bao giờ quên

Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Đinh Thế Văn trở về quê hương và tiếp tục theo nghiệp học vấn. Năm 1965, ông học hết chương trình giáo dục phổ thông, sau đó thi đỗ vào ĐH Bách Khoa. Nhập học được một tháng, ông lại xếp nghiên bút để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ những nỗ lực phấn đấu, mới ngoài 30 tuổi ông đã trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257 - Sư đoàn 361). Đây là một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng phòng không.

Ngày đất nước thống nhất, ông được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257 trước khi nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Đại tá. Trở về làng, người lính năm xưa lại bước vào “cuộc chiến” mới: Bảo tồn và phát triển làng rối nước Đào Thục đang có nguy cơ mai một.

“Ngày ấy Đào Thục trở thành ốc đảo giữa Thủ đô bởi đường xá khó khăn, sự nghèo nàn lạc hậu và ngăn cách địa lý. Những con rối nước cũng bị xếp xó, tách biệt với nhịp sống chuyển mình của thời cuộc. Nghệ nhân thì người còn người mất, thế hệ trẻ cũng không mấy ai mặn mà”, Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.

Vì cụ thân sinh vốn là nghệ nhân rối nước nổi tiếng, Đại tá Đinh Thế Văn nhận thấy rối nước Đào Thục là kho tàng giá trị văn hóa quý báu. Vì vậy, ông cùng với các nghệ nhân, những vị trưởng bối trong làng vận động nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể phục dựng lại nghề tổ.

Trời không phụ lòng người, ít lâu sau, tòa thủy đình tọa lạc ngay giữa làng, các tích trò truyền thống được đầu tư dựng lại và đem ra biểu diễn cho khách muôn phương. Cho đến nay có hơn 30 tích trò đã được khôi phục, cộng thêm những tích mới do ông và các nghệ nhân khác soạn kịch bản.

AHLLVTND - nghệ nhân Đinh Thế Văn chia sẻ về tiết mục Hà Nội đánh B52.

AHLLVTND - nghệ nhân Đinh Thế Văn chia sẻ về tiết mục Hà Nội đánh B52.

Năm 2023, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vui mừng đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là thành quả của các thế hệ người con Đào Thục, trong đó có Đại tá Đinh Thế Văn, người lính cụ Hồ năm xưa.

Trần Công Hướng - Thanh Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tran-danh-mo-man-chien-dich-dien-bien-phu-trong-ky-uc-dai-ta-dinh-the-van-post1634345.tpo
Zalo