Trận đánh mạo hiểm nhất, bất ngờ nhất

Trong những ngày cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, nghe Đại tá Trần Xuân Trường (ảnh), cựu chiến binh (CCB) xã Thụy Lôi, thị xã Kim Bảng, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4 năm 1975) kể về trận đánh mà với ông đó là trận đánh mạo hiểm nhất, bất ngờ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình.

50 năm đã qua đi, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 26/4 tôi lại nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên của ngày xuất quân đầu tiên trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Đại tá Trần Xuân Trường chậm rãi nói. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của tôi (Trung đoàn 28 pháo binh thuộc Sư đoàn bộ binh 5, Đoàn 232) là cánh quân thứ 5 đảm nhiệm đánh chiếm thị xã Long An, cắt đứt lộ 4 không cho quân địch ở Sài Gòn rút về miền Tây; không cho quân địch ở miền Tây lên chi viện cho Sài Gòn. Sau đó đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu, Nha Cảnh sát của quân Ngụy ở Sài Gòn. Địa hình sông nước, để có pháo binh hỗ trợ bộ binh, Sư đoàn 5 đã giao cho Trung đoàn 28 cùng với lực lượng quân giới miền tháo rời hai khẩu pháo 105 ly (mỗi khẩu nặng 1,5 tấn) đưa xuống 18 chiếc ghe ba lá vận chuyển từ huyện Đức Huệ (Long An) theo dòng sông Vàm Cỏ xuống trận địa ở Láng Cò (Long An) chi viện cho bộ binh đánh chiếm thị xã Long An theo đúng thời gian quy định.

Đại tá Trần Xuân Trường.

Đại tá Trần Xuân Trường.

Thời gian gấp, ngày 26/4/1975, mọi người tập trung làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm nhanh chóng tháo rời từng bộ phận của hai khẩu pháo chuyển đầy đủ xuống các ghe ba lá. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Hào, Tiểu đoàn trưởng (ngồi ghe đầu tiên); sự hướng dẫn của các đồng chí giao liên đêm ngày 29/4/1975 các ghe chở pháo đã tới Láng Cò. Sau khi lắp ráp lại từng bộ phận thành hai khẩu pháo hoàn chỉnh anh em trong đơn vị đã dùng taco (máy kéo) của dân kéo pháo vào trận địa chiến đấu. Sáng ngày 30/4/1975, trận địa pháo tại Láng Cò đã bắn 97 phát đạn pháo và 06 loạt DKB… vào Dinh tỉnh trưởng thị xã Long An. Nghe tiếng đạn pháo, quân địch hết sức bất ngờ, khiếp sợ, đội hình rối loạn và bỏ chạy. Với cách đánh táo bạo, đầy tính bất ngờ, các lực lượng chiến đấu của ta đã nhanh chóng giải phóng thị xã Long An. Trận đánh cũng ghi dấu ấn lịch sử của pháo binh Sư đoàn 5 nói riêng, pháo binh Việt Nam nói chung khi chiến đấu ở địa hình sông nước.

11h 07 phút ngày 30/4/1975, đơn vị tiến vào thị xã Long An trong niềm vui khôn xiết, được nhân dân đón chào hết sức nồng nhiệt – kể đến đây gương mặt CCB Trần Xuân Trường bất chợt rạng rỡ như được sống lại giây phút lịch sử năm nào. Cùng lúc đó, anh em trong đơn vị nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, niềm vui, niềm hạnh phúc càng được nhân lên gấp bội. Vậy là Sài Gòn đã được giải phóng, Nam – Bắc từ nay sum họp một nhà, mong ước của Bác Hồ kính yêu, của cả dân tộc Việt Nam bao năm đã trở thành sự thật.

Trận đánh giải phóng thị xã Long An là trận đánh mạo hiểm nhất, bất ngờ nhất; còn kỷ niệm đậm sâu nhất với CCB Trần Xuân Trường đó chính là tình cảm thắm thiết của người dân dành cho quân giải phóng. Khi các đoàn quân tiến về Sài Gòn, người dân chào đón Quân Giải phóng hết sức nồng nhiệt. Là lính trinh sát pháo binh, trong những năm tháng tham gia chiến đấu, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, CCB Trần Xuân Trường luôn dựa vào dân, có dân giúp đỡ. Dân đùm bọc, chở che, nuôi giấu; dân cung cấp tin tức tình hình… Khi Sài Gòn được giải phóng, được tận mắt nhìn thấy đoàn quân giải phóng, có người dân đã nói: Trước kia, chính quyền Sài Gòn tuyên truyền cộng sản gầy yếu, 7 người bám vào cành đu đủ không gẫy, làm sao đánh thắng được. Nhưng không phải vậy, quân giải phóng đều là những người khỏe mạnh, dũng cảm, đầy hào khí, mà lại rất hiền lành, tình cảm…

50 năm đã qua đi, CCB Trần Xuân Trường có nhiều dịp được về thăm lại chiến trường xưa - những nơi trước kia đã từng đóng quân, chiến đấu. Những chuyến đi ấy ông luôn dành một phần thời gian để hỏi thăm, tìm lại những người dân trước kia đã từng giúp đỡ, chở che, nuôi giấu… để nói lời cảm ơn, nếu họ còn sống … Đặc biệt, mỗi lần vào thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, ông lại nhớ về tình đồng chí đồng đội gắn bó keo sơn … Nhớ lại những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, nỗi đau mất đồng đội đã biến thành ý chí, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược; quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nói về mong muốn – CCB Trần Xuân Trường chia sẻ: Tôi là người lính may mắn có ngày trở về, được chứng kiến quê hương, đất nước đổi mới như hôm nay thấy vui và tự hào lắm. Biết bao đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh để quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Cá nhân tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các gia đình thương binh, liệt sỹ; gia đình có công với cách mạng để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/tran-danh-mao-hiem-nhat-bat-ngo-nhat-160415.html
Zalo