Trận chiến Detroit mở màn chiến tranh giữa Mỹ và Anh năm 1812 - Kỳ 1
Cuộc vây hãm Detroit (15-16/8/1812) là một trong những trận chiến đầu tiên của chiến tranh 1812. Sau cuộc xâm lược Canada bất thành, quân đội Mỹ đã rút lui về Fort Detroit, nơi họ bị quân Anh và người da đỏ bản địa dưới quyền Thiếu tướng Isaac Brock và thủ lĩnh người da đỏ Shawnee Tecumseh bao vây. Người Mỹ nhanh chóng đầu hàng, để mất Detroit về tay quân Anh.
Hành trình về Detroit: Khởi đầu của những sai lầm
Mùa xuân năm 1812, chiến tranh giữa Mỹ và Anh dường như đã cận kề. Trên biển cả, tàu chiến Anh ngang nhiên chặn tàu buôn Mỹ, bắt ép thủy thủ. Trên vùng biên giới Tây Bắc, đặc vụ Anh bị cáo buộc tiếp tay cho hai anh em Tecumseh và Prophet, những thủ lĩnh người Shawnee (người da đỏ bản địa) đầy uy tín, khơi mào một liên minh các bộ tộc người Mỹ bản địa chống lại sự bành trướng của Mỹ. Trong Quốc hội, phe “diều hâu” hừng hực khí thế, thúc giục tuyên chiến bất chấp sự e ngại của dân chúng và quân đội non trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, chính quyền Tổng thống James Madison gấp rút củng cố phòng tuyến biên giới phía Tây Bắc, giáp với Canada, thuộc địa của Anh.
William Hull, 59 tuổi, thống đốc lãnh thổ Michigan, một cựu binh trong chiến tranh cách mạng, được phong hàm thiếu tướng và giao trọng trách chỉ huy đạo quân mới thành lập, hành quân tới Fort Detroit. Vừa trải qua cơn đột quỵ, Hull do dự. Nhưng viễn cảnh người Mỹ bản địa tấn công những người định cư ở Michigan đã thúc đẩy ông nhận lệnh.
Ngày 25/5, Hull đặt chân đến Dayton, Ohio, nơi tập kết đội quân hỗn tạp. Cảnh tượng trước mắt khiến ông chưng hửng: đám đông tình nguyện viên ồn ào, vô kỷ luật, trang bị thiếu thốn, thuốc súng ít ỏi. Được chia thành ba trung đoàn dân quân, họ tự ý bầu chọn sĩ quan chỉ huy. Những người được chọn gồn Duncan McArthur, James Findlay và Lewis Cass đều là chính trị gia hoặc có tham vọng chính trị, không một chút kinh nghiệm quân sự.
Buổi duyệt binh diễn ra trong hỗn loạn, Hull suýt bị hất khỏi ngựa. Ngày 1/6, đoàn quân tình nguyện Ohio bắt đầu cuộc hành quân. Họ lê bước chậm chạp, mười ngày sau mới đến Urbana, một khu định cư tại biên giới, nơi Trung tá James Miller cùng Trung đoàn Bộ binh 4 Mỹ, lực lượng chính quy, đang chờ sẵn.
Tại Urbana, một số tình nguyện viên của Hull nhất quyết không đi tiếp, đòi được trả đủ tiền lương theo cam kết. Quân chính quy của Miller phải can thiệp, nhưng sự việc đã cho thấy những rạn nứt đầu tiên trong đội quân non trẻ.
Vài ngày sau, một sự cố khác xảy ra: một lính say bí tỉ, do giật mình bởi tiếng động lạ trong đêm tối nên đã bắn chết một đồng đội đang làm nhiệm vụ canh gác. Người này bị đưa ra tòa án binh, chịu hình phạt nghiêm khắc.
Đoàn quân tiếp tục hành trình, tiến vào “Đầm lầy đen lớn” ở Tây Bắc Ohio. Mưa như trút nước biến mặt đất thành biển bùn, hành quân gian nan. Trong khi đó, những bóng đen lấp ló giữa rừng cây: đó là các trinh sát của người Tecumseh, âm thầm theo dõi nhất cử nhất động của quân Mỹ.
Ngày 26/6, Hull nhận được thư khẩn từ Bộ trưởng Chiến tranh, đề ngày 18/6, cảnh báo chiến tranh cận kề và yêu cầu ông hành quân tới Detroit với tốc độ nhanh nhất.
Ngày 1/7, Hull đến cửa sông Maumee. Ông thuê tàu Cuyahoga, chất lên đó mọi thứ cồng kềnh: công văn cá nhân, hành lý sĩ quan, quân phục dự trữ, đồ y tế và khoảng 30 binh sĩ ốm yếu. Tàu nhổ neo, đi vào hồ Erie, vận chuyển đồ tiếp tế tới Detroit.
Hôm sau, Hull nhận được bức thư thứ hai từ Washington, cũng đề ngày 18/6, thông báo chiến tranh đã chính thức nổ ra. Nhưng đã quá muộn để gọi tàu Cuyahoga quay trở về. Khi tàu đang tiến vào sông Detroit, nó bị một tàu Canada chặn bắt, cùng với tất cả công văn mật của Hull.
Ngày 5/7, Hull cuối cùng cũng đến được Detroit, hội quân cùng một số đại đội dân quân Michigan, nâng tổng quân số lên khoảng 2.500 người. Hy vọng tìm được lương thực tiếp tế ở Detroit, Hull lại một lần nữa thất vọng.
Xâm lược Canada: Canh bạc thất bại
Chiến tranh bùng nổ, phe “diều hâu” ở Washington hối thúc xâm lược Canada. Mục tiêu không chỉ là ngăn chặn Anh sử dụng Canada làm bàn đạp tấn công Mỹ, mà còn là sáp nhập Canada vào Liên bang, "đuổi người Anh khỏi lục địa".
Chính quyền Tổng thống Madison vạch ra kế hoạch tấn công bốn hướng vào Canada, trong đó Hull và đội quân tả tơi của ông giữ vai trò chủ công.
Hull nhận lệnh vượt sông Detroit, chiếm Fort Malden ở Amherstburg, nơi đồn trú 300 lính Anh và 400 người Mỹ bản địa dưới sự chỉ huy của Đại tá Henry Procter. Kiểm soát Fort Malden đồng nghĩa với việc mở toang cánh cửa tiến vào Thượng Canada (một phần lãnh thổ của Canada thành lập năm 1791). Tuy có lợi thế về quân số, Hull vẫn lo lắng. Lương thực cạn kiệt, quân lính thiếu kỷ luật, và bóng ma người Mỹ bản địa lởn vởn trong tâm trí ông.
Hull gửi thông điệp đến làng Wyandot bên kia sông, kêu gọi Tecumseh, thủ lĩnh người Shawnee đang khao khát xây dựng một liên minh người Mỹ bản địa hùng mạnh, giữ thái độ trung lập.
Câu trả lời của Tecumseh dội lại như một gáo nước lạnh: "Ta đã chọn đứng về phía Nhà vua, cha ta, và ta thà để xương mình phơi trắng trên bờ này còn hơn quay lại tham gia bất kỳ hội đồng trung lập nào".
Bất chấp lời cảnh báo và nỗi lo sợ mơ hồ, Hull vẫn quyết định tiến công. Ngày 10/7, lệnh vượt sông được ban ra, nhưng phần lớn dân quân Ohio kháng lệnh. Họ cho rằng mình chỉ được tuyển mộ để phòng thủ lãnh thổ, không có nghĩa vụ chiến đấu bên ngoài biên giới Mỹ. Hai ngày căng thẳng trôi qua, Hull mới thuyết phục được quân lính vượt sông vào ngày 12/7, nhưng phải bỏ lại 200 người ngoan cố nhất.
Quân Mỹ đổ bộ lên làng Sandwich nhỏ bé mà không gặp kháng cự. Hull ra tuyên bố với người dân Canada, giải thích mục đích cuộc xâm lược. Ông hứa sẽ "tìm kẻ thù, chứ không tạo ra kẻ thù", kêu gọi người Canada hoặc đứng về phía Mỹ, hoặc ở yên trong nhà. Ai không cầm vũ khí chống lại Mỹ sẽ được an toàn.
Lời lẽ của Hull lay động không ít dân quân Canada, những người vốn không có nhiều tình cảm với cả Anh lẫn Mỹ, và không muốn hy sinh vô nghĩa. Hàng trăm người đào ngũ khỏi hàng ngũ dân quân Canada sau tuyên bố của Hull.
Cuộc xâm lược khởi đầu thuận lợi. Quân Mỹ đóng trại tại Sandwich, chờ đợi trong khi trung đoàn của McArthur đi cướp bóc lương thực từ các ngôi nhà và trang trại dọc sông Thames. Trung đoàn của Cass, những người đầu tiên đặt chân lên đất Canada, giờ đây hăng hái muốn tấn công quân Anh. Cass dẫn quân tới cầu Canard, giao tranh ngắn ngủi với lính gác Anh. Quân Anh nhanh chóng tháo chạy, bỏ lại hai người bị thương. Một trong số đó, James Hancock thuộc Trung đoàn 41, chết vì vết thương vào buổi tối, trở thành người đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến.
Phấn khích trước chiến thắng nhỏ nhoi, Cass chạy về Sandwich, thúc giục Hull tiến quân đánh Fort Malden. Nhưng Hull do dự. Ông muốn "chắc thắng" mới tấn công, và khăng khăng chờ pháo binh sẵn sàng. Cass đành rút quân khỏi cầu Canard, và quân Mỹ tiếp tục chờ đợi trong vô vọng. Bạo lực tiếp tục leo thang.
Ngày 26/7, tin dữ đến tai Hull: chín ngày trước, một đồn nhỏ của Mỹ trên đảo Mackinac đã đầu hàng quân Anh và chiến binh Mỹ bản địa.
Chiến thắng này đã thôi thúc nhiều bộ tộc người Mỹ bản địa, bao gồm cả bộ tộc Wyandot vốn trung lập, đứng về phía Anh. Nỗi sợ hãi về người Mỹ bản địa trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng Hull. Là thống đốc vùng biên giới, ông đã nghe vô số câu chuyện rùng rợn về những người da trắng bị bắt, bị lột da đầu và tra tấn dã man. Giờ đây, theo lời của Hull, một "bầy ong da đỏ" đang tràn xuống từ phương bắc, vây kín mọi hướng.
Ngày 5/8, một toán quân 200 lính Mỹ dưới quyền Thiếu tá Thomas Van Horne được cử đi thu thập lương thực tại Maumee Rapids. Gần Brownstown, họ bị Tecumseh và các chiến binh Mỹ bản địa phục kích. 18 lính Mỹ tử trận, trong đó có Đại úy McCullough, bị giết bằng rìu và lột da đầu, 12 người bị thương, 70 người mất tích. Tecumseh chỉ mất một người lính, và thu giữ thêm nhiều công văn của Hull, tiết lộ kế hoạch và vị trí của quân Mỹ.