Trạm Tấu chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Huyện sẽ tiếp tục tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý những khu vực ven suối; khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản, hạ lưu hồ thủy điện, khu vực thấp trũng.

Lãnh đạo UBND huyện Trạm Tấu kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Phình Hồ.

Lãnh đạo UBND huyện Trạm Tấu kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Phình Hồ.

Trạm Tấu là huyện vùng cao, dân cư sống phân tán theo các khe suối, hoặc rải rác trên các triền đồi dốc… nên vào mùa mưa bão thường bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Để phòng tránh và ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống lũ quét, sạt lở có thể xảy ra, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp ngay từ đầu mùa mưa bão, các địa phương luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ, đội ứng phó nhanh với thiên tai.

Ông Sùng A Rua - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho biết: "Trên địa bàn xã xác định 2 khu vực nguy hiểm có thể xảy ra lũ ống, lũ quét tại thôn Suối Xuân; khu vực sạt lở đất đá tại thôn Tà Chử khi có nguy cơ xã sẽ sơ tán người dân về điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phình Hồ. Xã cũng đã hiệp đồng chặt chẽ với xã Làng Nhì, xã Tà Xi Láng sẵn sàng huy động cán bộ các ngành, đoàn thể, dân quân tại chỗ, trung đội dân quân cơ động, công an viên và từ 50 - 100 người dân tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, tuần tra bảo vệ, khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ động hiệp đồng với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã có phương tiện ô tô, máy xúc để sử dụng khi cần thiết”.

Nhờ làm tốt khâu phòng chống và tuyên truyền tới người dân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở nên khi bão số 3 đi qua, xã Phình Hồ không bị ảnh hưởng lớn. Hiện toàn xã có 6 hộ phải di dời khẩn cấp tại thôn Tà Chử. Đến nay, huyện đã bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ trong cộng đồng dân cư và hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai. Anh Vàng A Su ở thôn Tà Chử chia sẻ: "Khi mưa bão, nhà mình đã được cán bộ sơ tán đến nơi an toàn, ở nhà cũ cũng nguy hiểm, xã đã bố trí đất để mình làm nhà mới”.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, huyện Trạm Tấu có 286 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 68 nhà phải di dời khẩn cấp,186 nhà bị sạt taluy… Huyện đã kịp thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Đến thời điểm hiện tại, huyện huy động lực lượng giúp các hộ san gạt nền nhà, tháo dỡ, di chuyển và dựng lại nhà tại nơi ở mới cho 34 hộ, trong đó có 3 hộ thuộc diện có nhà bị sập, trôi hoàn toàn và 31 hộ phải di dời khẩn cấp. Đối với các hộ chưa tìm được đất, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ, huyện chỉ đạo khẩn trương rà soát quỹ đất trong quy hoạch, vận động anh em dòng họ hiến đất để bố trí chỗ ở mới đảm bảo an toàn cho các hộ. Huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai đợt 1 cho 3 hộ có nhà bị sập, trôi; 31 nhà phải di dời khẩn cấp; 10 nhà bị hư hỏng trên 30%; tổng kinh phí hỗ trợ 1 tỷ 250 triệu đồng đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, huyện đã phân công các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các ngành, đoàn thể, các tổ công tác trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét trên địa bàn các xã, thị trấn và chỉ đạo nhân dân sơ tán, di dời. Tổ chức huy động 1.550 người gồm lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, cán bộ của các tổ chức và nhân dân đến các xã, thị trấn hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả. Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, xác minh, lập biên bản các thiệt hại ban đầu và chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại”.

Để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, thời gian tới, huyện Trạm Tấu yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện để kịp thời thông báo đến người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng cho biết: "Huyện tiếp tục tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý những khu vực ven suối; khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản, hạ lưu hồ thủy điện, khu vực thấp trũng. Chỉ đạo và yêu cầu người dân không được ngủ tại các lán ruộng; không để người dân vớt củi, đánh bắt cá trên các dòng suối, lòng hồ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”.

Huyện chủ động bố trí nguồn lực, trang thiết bị, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men cùng các điều kiện cần thiết, thực hiện phương án phòng chống thiên tai với phương châm "4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/22/330103/tram-tau-chu-dong-ung-pho-lu-quet-sat-lo-dat.aspx
Zalo