Trạm sạc Tâm hồn

Trạm sạc Tâm hồn là tên gọi của Trung tâm thông tin và Tư vấn sinh viên, Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội. Trung tâm ra đời với mục đích 'chữa lành' tâm hồn đang gặp nhiều vấn đề của 'những đứa trẻ' trong cơ thể người lớn là sinh viên của trường.

Hoạt động tập huấn của các thành viên Trạm sạc Tâm hồn.

Hoạt động tập huấn của các thành viên Trạm sạc Tâm hồn.

Trước kì thi Bác sĩ Nội trú năm 2024 (được tổ chức giữa tháng 8 vừa qua), không ít tân bác sĩ Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội đã phải dùng đến sự hỗ trợ của thuốc an thần để mong có được giấc ngủ giữa những ngày ôn thi căng thẳng. Là thủ khoa tốt nghiệp Y khoa, Trần Lê Đức Anh càng áp lực với kì thi Bác sĩ Nội trú. Đức Anh biết thuốc an thần không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn phải lựa chọn để cân bằng trạng thái tinh thần. Đây là kì thi mỗi sinh viên Y khoa được thi 1 lần trong đời tại Trường ĐH Y Hà Nội.

Áp lực vô hình

BS.TS Phan Thị Minh Ngọc, Phó Trưởng phòng Công tác Học viên Sinh viên và Quản lí Kí túc xá, Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, trước khi vào học ngành Y khoa của trường, mỗi sinh viên hầu như đều đã đứng ở một đỉnh cao nào đó như đạt giải kì thi học sinh giỏi cấp trường, quận/huyện, tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế. Vào học trong môi trường với những đỉnh còn cao hơn nên các em dễ bị choáng ngợp và mất phương hướng khi không xác định được vị trí của mình.

Trong số sinh viên tìm đến Trạm sạc Tâm hồn, bà Ngọc từng rất bất ngờ khi đọc ở phiếu đăng kí của một sinh viên vốn dĩ được biết đến với bảng thành tích dài sáng láng. Tìm đến trung tâm, em đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc vì quá mệt khi luôn phải giữ hình ảnh mình là ngôi sao. Sau mỗi thành tích, sự tuyên dương, vinh danh đôi khi là áp lực, chứ chưa hẳn là động lực để phấn đấu.

Sau 2 năm hoạt động, Trạm sạc Tâm hồn đã tư vấn cho khoảng 70 sinh viên. Trong số này, có những sinh viên phải dừng học vì gặp bệnh lý tâm thần cần điều trị chuyên khoa. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tưởng như phải nghỉ học nhưng đã vượt qua để tiếp tục theo học, tốt nghiệp, trở thành bác sĩ nội trú và đạt được nhiều thành công.

Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH nhận thấy không chỉ học sinh mới cần tham vấn học đường mà sinh viên cũng là đối tượng cần được gỡ rối. Đang là giảng viên của trường, kiêm nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ sinh viên, TS Ngọc nhận thấy tổ tư vấn tâm lí muốn hoạt động hiệu quả thì cần xây dựng 3 yếu tố quan trọng là nhân sự, có không gian riêng và đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp. Nếu sinh viên sắp bị dừng học mới mời các em lên tư vấn thì đã quá muộn, bởi lúc đó, các em lên gặp thầy cô với tâm lí bị mời lên để tra hỏi nguyên nhân nên sẽ tìm đủ lí do để đối phó. Hơn nữa, không có không gian riêng nên sinh viên sẽ không thoải mái để chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Việc tư vấn lúc này giữa người tư vấn và người thụ hưởng là bị động và thiếu sự thấu cảm. Việc không xây dựng được các kênh truyền thông đã hạn chế cơ hội tiếp cận của sinh viên.

Trạm sạc Tâm hồn ra đời năm 2022 với phương châm “Lắng nghe - chia sẻ - đồng hành”, thầy cô được giao nhiệm vụ là “thùng chứa” những góc khuất trong mỗi sinh viên, mở ra cánh cửa bước vào thế giới của những đứa trẻ trong cơ thể người lớn. Nhiều em cô đơn trong thế giới hiện đại khi sự kết nối, tương tác trực tuyến áp đảo gặp gỡ trực tiếp. Tìm đến trung tâm, nhiều em khó khăn khi trình bày vấn đề, thậm chí thiếu ngôn từ diễn tả.

Trạm sạc Tâm hồn

Trạm sạc Tâm hồn

Phòng ngừa để giảm thiểu phải hỗ trợ

Bà Ngọc thông tin, những vấn đề sinh viên đang gặp phải như áp lực từ mối quan hệ trong gia đình, áp lực học tập… có thể dễ “chữa lành”. Nhưng trong cuộc sống hiện nay, vấn đề về giới, bình đẳng giới đối với sinh viên mới là nút thắt khó gỡ. Giới tính thứ 3, phi giới tính… là những vấn đề không dễ để sinh viên chia sẻ với thầy cô. Nhưng ẩn đằng sau là những bức xúc, vết thương sâu và đôi khi, những người tham vấn còn phải đóng vai trò như một luật sư để hỗ trợ sinh viên về phần pháp lí. “Nhiều em tìm đến Trạm sạc với những ẩn ức không dễ giải tỏa, không chỉ có áp lực từ cuộc sống bên ngoài, đôi khi chính thầy cô trên giảng đường vô tình làm các em tổn thương về giới”, bà Ngọc nói.

Trạm sạc Tâm hồn được chia làm ba tuyến: tuyến 1 là hỗ trợ tâm lí, thông tin ban đầu cho sinh viên, tuyến 2 tư vấn chuyên sâu bởi các chuyên gia tâm lý và hỗ trợ pháp lý, tuyến 3 là bác sĩ tâm thần. Với chuyên môn của 19 cán bộ, giảng viên làm công việc kiêm nhiệm tại đây, sinh viên đều được hỗ trợ bởi những những người tận tâm, chuyên nghiệp. Công việc kiêm nhiệm, không có trong cơ chế, chính sách, đôi khi làm việc ngoài giờ nhưng các thầy cô luôn là “cục sạc” đầy năng lượng cho những cô cậu sinh viên “cồng kềnh dễ vỡ”.

Bà Ngọc còn nhớ, trên trang fanpage kín của sinh viên nhà trường từng xuất hiện một tình huống cần hỗ trợ. Có sinh viên đã tag thầy cô trong Trạm sạc để “thử” trình độ cũng như sự nhiệt tâm. Sau đó, chính sinh viên này tìm đến Trạm sạc để được thầy cô hỗ trợ tư vấn tâm lí.

Bằng kinh nghiệm của mình, GS Tú cho rằng, những sinh viên đoạt huy chương Olympic đều được cha mẹ chăm sóc, tạo điều kiện hết mực nhiều khi giống như “nuôi trong môi trường vô trùng”. Bây giờ, bước vào ngưỡng cửa ĐH, các em sẽ gặp những va chạm, và có thể cả những vấp ngã. Nhà trường luôn mong muốn các em không bỏ cuộc vì bên cạnh luôn có các bạn, thầy cô.

Theo bà Ngọc, quan trọng nhất là phòng ngừa. Đội ngũ làm tốt nhất công việc này chính là các thầy cô chủ nhiệm khối, cán bộ lớp. “Họ là mạng lưới nắm bắt trực tiếp nhất tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, của bạn bè trong lớp”, bà Ngọc nói. Hoạt động phòng ngừa tốt thì hoạt động hỗ trợ sẽ được giảm tải. Vì vậy, Trạm sạc Tâm hồn không chỉ thực hiện tư vấn cá nhân mà còn có các hoạt động nhóm nhằm tăng cường kỹ năng nhận diện và giải quyết vấn đề cho sinh viên. Các thầy cô cũng tổ chức nhóm cộng tác viên, sinh viên trong nhóm được giao nhiệm vụ phát hiện sớm các ca cần hỗ trợ và đồng hành “mù” sau khi được tư vấn tại Trạm (có nghĩa là không biết người bạn của mình đang là người cần hỗ trợ). Một trong những ví dụ về hoạt động đồng hành sau tư vấn, hằng ngày, mỗi sinh viên thực hiện 3 nhiệm vụ: nói chuyện với bạn, hoạt động thể lực, tự đề ra và hoàn thành một mục tiêu học tập ở mức độ vừa sức. Nhiệm vụ nói chuyện với bạn ban đầu tưởng vô lí nhưng lại rất hợp lí. Đó là hành động để kết nối sinh viên với sinh viên trong bối cảnh công nghệ đang dần làm mất mối quan hệ xã hội của con người trong thực tế. Hoạt động thể lực là cách để sinh viên nâng cao sức khỏe bởi một cơ thể ốm yếu khó dung chứa một tinh thần khỏe mạnh. Còn nhiệm vụ học tập khi đạt được sẽ giúp sinh viên có thêm niềm tin vào bản thân và con đường phía trước.

Nói chuyện với sinh viên, GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khẳng định, nhà trường có Trạm sạc Tâm hồn để sinh viên bày tỏ, nếu cần gặp hiệu trưởng xin ý kiến, GS Tú nói mình luôn sẵn sàng tiếp và gặp sinh viên, hoặc các em chỉ cần nhắn tin.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tram-sac-tam-hon-post1685303.tpo
Zalo