Trầm Lộng - vùng quê cách mạng
Hòa chung không khí của tháng 4 lịch sử, những người con xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại tự hào nhớ về giai đoạn buổi ban đầu của cách mạng in đậm dấu ấn nơi quê nhà.
Những câu chuyện từ ngày “ngọn lửa” cách mạng nhen nhóm ở vùng quê nghèo, đến những ngày người dân được giác ngộ cách mạng, đã nuôi dưỡng, bảo vệ, che giấu cán bộ cách mạng hoạt động...

Bình yên một góc xã Trầm Lộng. Ảnh: Minh Thúy
Nơi lịch sử ghi dấu
Bên chiếc bàn cũ kê ở góc sân với những chồng báo, tạp chí được xếp gọn gàng, ông Trần Quyết Tiến, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng chậm rãi bắt đầu câu chuyện. Ánh mắt cương nghị, ông đặt vấn đề: Vì sao thôn Trầm Lộng (xã Trầm Lộng) lại trở thành An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ? Rồi ông từ tốn kể: Trầm Lộng xưa là vùng trũng, việc giao thương rất khó khăn. Một năm có đến 6 tháng người dân phải sử dụng đò làm phương tiện đi lại. Quê nghèo, hẻo lánh, nhiều người phải tha hương, cầu thực đi làm ăn. Trong số rời quê ấy, có cả những người thuộc thành phần trung nông, con gia đình khá giả đi học nghề...
Thời điểm đó đúng giai đoạn 1936-1939, nhiều nơi đang nổi lên phong trào đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm. Những người con của quê hương được tiếp xúc với báo chí cách mạng và họ đã mang sách báo đó về quê đọc cho người dân nghe. Từ những câu chuyện của thời cuộc lúc đó, họ đã trở thành những tuyên truyền viên cách mạng đầu tiên của vùng quê nghèo.
Trải qua quá trình phát triển, các tổ chức quần chúng cách mạng đầu tiên ở thôn Trầm Lộng dần được thành lập và đi vào hoạt động. Thực hiện chủ trương của Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã lựa chọn khu vực Nam Ứng Hòa để xây dựng An toàn khu (ATK), lấy địa bàn thôn Trầm Lộng (xã Trầm Lộng), thôn Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn) là trung tâm của An toàn khu - nơi cơ quan Xứ ủy ở và làm việc.
Cùng với phong trào cách mạng trong vùng, ngày 20-6-1942, tại căn nhà của gia đình bà Tạ Thị Nấm (bà Khườn), Ban Cán sự đã tổ chức kết nạp vào Đảng 3 quần chúng: Phạm Đình Hồng, Nguyễn Ngọc Diệp, Phạm Thị Chuốc, đồng thời tuyên bố thành lập Chi bộ xã Trầm Lộng và phân công đồng chí Đặng Đình Tân là cán bộ Xứ ủy Bắc ủy làm Bí thư Chi bộ.
Từ đây, nhiều cán bộ của Xứ ủy đã về hoạt động cách mạng. Lúc này, đồng chí Hoàng Quốc Việt trong vai làm thầy địa lý, ở nhà bà Tạ Thị Nấm (bà Khườn), sau chuyển về nhà cụ Chủ Đàn, thôn Thu Nội để hoạt động. Ban Cán sự ATK còn bố trí nơi in tài liệu, hội họp, thảo luận, tổ chức các lớp huấn luyện...
Hệ thống các điểm hoạt động của ATK Trầm Lộng được hình thành, gồm: Chùa Chòng là địa điểm trung tâm hoạt động của ATK, là nơi đón tiếp, nuôi giấu cán bộ của Xứ ủy và một số cán bộ của Trung ương, gồm các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Bình Phương, Trần Thị Minh Châu, Bạch Thành Phong...
Đình Cụ ở ngoài xứ đồng Cửa Sỹ, nằm trên một gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa, năm 1942 đây là nơi tổ chức các cuộc họp chính của Xứ ủy.
Nhà bà Nguyễn Thị Bút (bà Phượng) là nơi đặt xưởng in đầu tiên, sau đó chuyển ra nhà tổ chùa Chòng, đồng thời đây cũng là nơi đặt cơ quan tài chính của Xứ ủy. Nhà ông Nguyễn Văn Dần được tổ chức thành xưởng dệt làm nơi liên lạc. Nhà bà Phạm Thị Ngảnh (bà Giới) là lớp huấn luyện. Nhà ông Nguyễn Văn Thìn (Nghìn) là nơi họp kín, thảo luận công việc...
Để bảo vệ ATK, Mặt trận Việt Minh xã Trầm Lộng chú trọng công tác bảo mật phòng gian, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ Đảng. Khi Xứ ủy có hội nghị, lớp huấn luyện..., Mặt trận Việt Minh xã thường chia hội viên phụ trách các chặng đường, mỗi chặng lại có ám hiệu riêng. Tham gia công tác bảo vệ còn có các tổ “tam tam” là thành viên của lực lượng thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi..., họ đều thuộc ám hiệu để ra hiệu mỗi khi có người lạ về làng. Do vậy, Trầm Lộng đã bảo vệ thành công nhiều cuộc họp, trong đó có những cuộc họp với sự tham gia của các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ.
Sau một thời gian hoạt động, mật thám dò la được ATK Xứ ủy Bắc Kỳ chuyển về Nam Ứng Hòa, đêm 7-11-1942, chúng từ Hà Nội ập về Ứng Hòa lùng sục cùng lúc cả hai cơ sở thôn Trầm Lộng và thôn Tảo Khê... Song, với sự che giấu của nhân dân, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã được bảo vệ và giải thoát kịp thời.
Sau vụ khủng bố, để bảo đảm an toàn, Xứ ủy quyết định chuyển ATK về Bắc Ninh, giao đồng chí Trần Thị Minh Châu (tức Mai) ở lại động viên tư tưởng bà con, củng cố phong trào. Hơn một tháng sau, phong trào cách mạng ở Trầm Lộng ổn định trở lại. Trầm Lộng, chùa Chòng vẫn là cơ sở cách mạng, địa điểm đưa đón, nuôi giấu cán bộ, cất giữ tài liệu của Xứ ủy, Tỉnh ủy.
ATK đóng ở Trầm Lộng, Tảo Khê chỉ gần một năm (1942) nhưng nhân dân Trầm Lộng - Tảo Khê và các xã phía Nam huyện Ứng Hòa đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ ATK của Đảng...
Tiếp nối câu chuyện, Phó Bí thư Chi bộ thôn Trầm Lộng (xã Trầm Lộng) Nguyễn Khắc Tâm nhớ lại, tính đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã có 4 chi bộ: Tảo Khê, Trầm Lộng, Viên Nội và Chi bộ ghép Kim Châm - Xuân Quang - Triều Khúc - Phù Lưu với 31 đảng viên.
Tháng 3-1945, Tỉnh ủy Hà Đông phân công đồng chí Đỗ Mười về lãnh đạo chuẩn bị cho Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và đồng chí Đỗ Mười lấy Trầm Lộng làm cơ sở đứng chân, chỉ đạo phong trào vùng Nam Ứng Hòa và Nam Mỹ Đức. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí ở cơ sở, phong trào cách mạng Ứng Hòa ngày càng phát triển. Sau 5 tháng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đỗ Mười (từ tháng 3 đến tháng 8-1945), cán bộ, đảng viên và quần chúng đã sẵn sàng vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Những câu chuyện để lại
Đến nay, tên tuổi của rất nhiều gia đình đã được sử sách ghi lại vì có đóng góp lớn trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ, che giấu cán bộ của Đảng và Xứ ủy, trong đó có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Trần Thị Minh Châu, Bạch Thành Phong, Bùi Quang Tạo... Ngoài những cơ sở tiêu biểu như nhà các ông, bà: Lý Dần, Lý Đích, bà Tùy, Tạ Thị Nấm, bà Phẩm, bà Phượng, ông Nghìn..., còn rất nhiều hộ gia đình, người dân cũng tham gia ủng hộ, che giấu, đưa đón cán bộ cách mạng...
"Là địa điểm đã đi vào lịch sử, đình, chùa Chòng là nơi đầu tiên đón tiếp cán bộ. Khu vực này là một quần thể, trước khi vào đình, chùa phải đi qua chợ, tại các gian hàng đều có ký tín, ám hiệu để cán bộ về nhận biết, nếu an toàn thì sẽ vào đình, chùa, còn không sẽ tránh đi” - Phó Bí thư Chi bộ thôn Trầm Lộng (xã Trầm Lộng) Nguyễn Khắc Tâm nhớ lại.
Truyền thống cách mạng của quê hương Ứng Hòa đã hun đúc tinh thần kiên trung với cách mạng của người dân nơi đây. Với những thành tích ghi dấu ấn một thời, xã Trầm Lộng đã có một tập thể (xóm Rồng) và 11 hộ gia đình được Nhà nước tặng Bằng “Có công với nước” vì có thành tích nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Những ngôi nhà nuôi giấu cán bộ trước kia nay đã đổi thay, không còn dấu tích cũ, nhưng mỗi người con Trầm Lộng vẫn luôn tự hào về những buổi ban đầu ấy.
“Chúng tôi là thế hệ con cháu, nhưng vẫn được nghe về hoạt động nuôi giấu cán bộ của lớp cha ông. Ví như, nhà bà cụ Tạ Thị Nấm có 2 chái gác, sau khi nấu cơm, gia đình cụ Nấm lại nắm cơm để trên chái gác đó. Theo quy ước, cán bộ đi qua thò tay vào lấy cơm...”, ông Trần Quyết Tiến kể.
Được sinh ra và nuôi dưỡng trong ngôi nhà được sử dụng làm cơ sở huấn luyện cách mạng, ông Nguyễn Đại Hải, thôn Trầm Lộng kể: “Tôi vẫn thường được nghe mẹ kể về những ngày cụ làm nhiệm vụ canh gác khi có lớp tập huấn hoạt động tại nhà và nấu cơm cho cán bộ tập huấn ăn. Còn nhớ, trong lần Pháp về bắt cha con cụ Dần ở xóm Rồng, bà cụ nhà tôi đóng giả người đi đong thóc để dẫn đường cán bộ đến được vùng an toàn. Ngôi nhà của gia đình tôi ngày đó giờ là mảnh vườn xanh tốt, là kỷ niệm không chỉ của gia đình tôi, mà còn của cả vùng quê này”.
Những câu chuyện đó đã giúp ông Hải thấm nhuần tinh thần cách mạng. Ông Hải đã xung phong đi bộ đội, nhưng vì là gia đình con một nên được miễn. Đến năm 1975, khi Nhà nước có lệnh tổng động viên, ông tiếp tục hăng hái lên đường nhập ngũ và tích cực phấn đấu, được kết nạp Đảng trong quân đội...

Đình Cụ - nơi họp kín của Xứ ủy đang được trùng tu. Ảnh: Minh Thúy
Thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, từ ngày 1-1-2025, xã Trầm Lộng và xã Hòa Lâm được sáp nhập, giữ tên Trầm Lộng. Năm 2024, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 của UBND thành phố Hà Nội. Năm 2025, xã đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xóm Rồng nay đã khang trang, sạch đẹp. Đình Cụ - nơi họp kín của Xứ ủy, nơi tuyên truyền cách mạng cho nhân dân; đình Đông - nơi đặt hộp thư bí mật của Xứ ủy và khu đình, chùa Chòng nay đang được thành phố Hà Nội và huyện Ứng Hòa quan tâm đầu tư trùng tu xây dựng to hơn, đẹp hơn. Nhiều tuyến đường mới cũng đang được thành phố đầu tư, mở rộng, mang đến một diện mạo mới và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho Trầm Lộng hôm nay.
“Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiếp tục chuyển đổi các mô hình kinh tế. Địa phương tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Xã cũng chú trọng phát triển và mở rộng một số ngành nghề, như: May công nghiệp, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng… Khuyến khích mọi tổ chức, doanh nghiệp, các chủ hộ lập xưởng sản xuất hàng hóa nhằm phát triển kinh tế công nghiệp và thương mại - dịch vụ, tăng thu nhập kinh tế của địa phương”, Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh nhấn mạnh.

Nhiều cung đường ở xã Trầm Lộng đang được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, giao thương. Ảnh: Minh Thúy
Lớp lớp người xưa đã xa dần theo năm tháng, nhưng mảnh đất này vẫn tạc hình bóng họ vào từng thớ đất quê hương. “Các thế hệ luôn tự hào về truyền thống yêu nước, nhiệt huyết cách mạng của cha ông. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn để truyền thống của quê hương được phát huy, tiếp nối, xây dựng Trầm Lộng thành vùng quê ngày càng phát triển”, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trầm Lộng Phạm Đình Lễ chia sẻ.