Trầm cảm thai kỳ có nguy cơ sinh non nếu không phát hiện kịp thời

Trầm cảm thai kỳ là nỗi ám ảnh với nhiều mẹ bầu, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của thai nhi. Hiểu đúng nguyên nhân và biết cách vượt qua sẽ giúp bảo vệ cả mẹ và con trong suốt thời gian mang thai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm thai kỳ là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng khoảng 10 - 15% phụ nữ mang thai trên toàn cầu. Một số nghiên cứu tại các nước đang phát triển còn ghi nhận tỷ lệ lên đến 25%. Tại Việt Nam, khảo sát của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I năm 2020 cho thấy có đến 20,3% thai phụ có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, trong đó 4,5% ở mức nặng.

Trầm cảm thai kỳ là nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ. Ảnh: Phương Anh.

Trầm cảm thai kỳ là nỗi ám ảnh với nhiều phụ nữ. Ảnh: Phương Anh.

1. Trầm cảm thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của phụ nữ mang thai

NỘI DUNG::

1. Trầm cảm thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của phụ nữ mang thai

2. Nguy cơ sinh non và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

3. Biểu hiện trầm cảm khi mang thai

4. Cần làm gì nếu bị trầm cảm khi mang thai?

Trầm cảm là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến cảm xúc, gây ra cảm giác buồn bã kéo dài, mất hứng thú và khó duy trì các hoạt động thường ngày. Đây không chỉ là phản ứng tạm thời trước những thay đổi trong cuộc sống mà có thể trở thành bệnh lý khi kéo dài và gây cản trở nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Khi mang thai, người phụ nữ đối mặt với hàng loạt thay đổi cả về nội tiết tố lẫn tâm lý, khiến nguy cơ trầm cảm tăng cao. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và thậm chí tiếp diễn sau sinh. Những ai từng có tiền sử trầm cảm hoặc đang gặp khó khăn về tâm lý trước khi mang thai sẽ có nguy cơ cao hơn. Điều quan trọng là thai phụ cần được theo dõi sát sao và hỗ trợ kịp thời để tránh để tình trạng kéo dài hoặc trở nên trầm trọng sau sinh.

2. Nguy cơ sinh non và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Trầm cảm thai kỳ không chỉ là gánh nặng tâm lý với người mẹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thai nhi. Khi người mẹ căng thẳng kéo dài, cơ thể tiết ra nhiều hormone như cortisol, làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai và ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy, dưỡng chất cho con.

Các nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ mang thai bị trầm cảm có nguy cơ sinh non, con nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng cao hơn bình thường. Trẻ sinh ra từ những thai kỳ như vậy cũng dễ gặp vấn đề về giấc ngủ, cảm xúc và phát triển trí tuệ. Không dừng lại ở đó, hậu quả có thể kéo dài đến tuổi học đường, làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi, khó khăn trong học tập và thậm chí là trầm cảm khi trưởng thành.

3. Biểu hiện trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai thường bị nhầm lẫn với các biểu hiện sinh lý thông thường như mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, mất ngủ… Điều này khiến nhiều thai phụ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, một số biểu hiện kéo dài dưới đây có thể là tín hiệu cho thấy người mẹ đang bị trầm cảm:

Cảm thấy buồn bã, chán nản trong phần lớn thời gian của ngày

Mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích.
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Thay đổi khẩu vị rõ rệt (ăn ít hoặc ăn nhiều bất thường).
Cảm giác vô dụng, tội lỗi hoặc thất vọng về bản thân.
Có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc không thiết sống.

Nếu các biểu hiện này kéo dài từ 2 tuần trở lên và ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hằng ngày, thai phụ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ sản khoa để được sàng lọc trầm cảm.

4. Cần làm gì nếu bị trầm cảm khi mang thai?

Trầm cảm khi mang thai hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện sớm. Các biện pháp bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể cân nhắc kê thuốc chống trầm cảm an toàn cho thai phụ sau khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ.

Bên cạnh đó, những yếu tố hỗ trợ như tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống cân bằng, giữ mối quan hệ tích cực với người thân, đặc biệt là chồng cũng góp phần giảm nguy cơ trầm cảm ở thai phụ.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bà mẹ cần tuân thủ việc khám thai thường xuyên để có thể phát hiện những rủi ro sớm nếu có. Hãy nói với bác sĩ các vấn đề bản thân đang gặp phải. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tham gia các lớp học tiền sản và câu lạc bộ để chuẩn bị kiến thức thật tốt cho thai kỳ, hậu sản và nuôi con.

Phương Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tram-cam-thai-ky-co-nguy-co-sinh-non-neu-khong-phat-hien-kip-thoi-169250702232938176.htm
Zalo