Trái tim ta đập ở Thái Nguyên

Sách Đại Nam Thực Lục - quyển 3 của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: 'Thái Nguyên - Xứ ấy thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn. Tinh thứ thuộc sao Thần Vì… Nghĩa là nơi đất lành, nhân kiệt'.

Vị trí địa lý ấy khiến Thái Nguyên trở thành vùng đất giao thoa cả kinh tế và văn hóa giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Có thơ thời nay trào dâng cảm xúc với nơi này:

Tôi yêu lắm những mùa Thu trăng lu /Đêm sao Mai, dậy hương chè thơm ngát/Ngày mặt trời rực rỡ tới chân mây/Tâm hồn tôi đắm say/Nhịp đời sâu xao động quá!/Thái Nguyên tôi thương quá/Yêu thương quá Thái Nguyên…

Thành phố Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Khắc Thiện

Thành phố Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Khắc Thiện

Lại nhớ nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi một thời lăn lộn trên những nẻo đường Kháng chiến chống Pháp cũng đã từng thốt lên: “Ôi Phú Minh, Cù Vân, Quảng Nạp/Trái tim ta đập ở Thái Nguyên”…

Chúng ta cũng tự hào về một miền quê nửa đồng nửa núi - Thái Nguyên can trường và ân tình; bản lĩnh trong hào hoa; hội tụ với hài hòa. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm học Phạm Thùy Vinh giải thích về hai từ Thái Nguyên thế này: Thái nghĩa là to, là rộng lớn, mênh mông, khoáng đạt và an lành. Nguyên là nguồn, đầu nguồn, khởi đầu… Cũng còn nhiều nghĩa nữa, nhưng bao trùm hai tiếng Thái Nguyên vẫn là một vùng đất lành, rộng lớn, đầu nguồn và địa linh, nhân kiệt.

Ta cùng tìm hiểu về đất

Nếu quay một vòng lấy Thái Nguyên làm tâm điểm với bán kính 100km thì hầu hết các vị trí quan trọng, chiến lược đều có thể giúp Thái Nguyên. Sau lưng Thái Nguyên là vùng núi cao Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, trước mặt là đồng bằng sông Mẹ phì nhiêu, vựa lúa… Thế tựa sơn, đạp thủy vô cùng vững chãi”.

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi từ ngót 6 thế kỷ trước đã viết: “Định Hóa có bạc, đồng, chì, vàng. Vũ Nhai có vàng sa khoáng, thần sa. Đại Từ có trăn. Huyện Phổ Yên có vượn trắng. Huyện Động Hỷ có cá, ngọc châu và nhiều thứ”.

Sách Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Thế kỷ XV, khai mỏ ở Thái Nguyên đã phát triển. Việc chi dùng của triều đình sở dĩ được dồi dào là do ở thuế các mỏ được đầy đủ”.

Khoa học ngày nay đưa ra bản đồ khoáng sản toàn diện và đầy đủ hơn, thí dụ: Tỉnh có 39 điểm mỏ quặng sắt trữ lượng 50 triệu tấn, 20 điểm mỏ titan trữ lượng 20 triệu tấn; đa kim chừng 110 triệu tấn… Than thì trữ lượng chỉ sau Quảng Ninh…

Trong hơn 3.500km vuông cương vực của tỉnh, Thái Nguyên được bao bọc bởi dãy Tam Đảo phía Tây và vùng núi thấp phía Đông. Con sông Công bắt nguồn từ dãy núi Hồng lại được nước từ 8 phụ lưu từ Tam Đảo đổ vào, được lưu giữ bởi hồ Núi Cốc, Ghềnh Chè, Vai Miếu…

Dòng sông Cầu có nguồn từ dãy Phia - Biooc (Bắc Kạn), rì rầm ngày đêm cung cấp nguồn nước cho toàn bộ địa phận phía Đông Bắc Thái Nguyên rồi mới hợp lưu với sông Công ở Thuận Thành đổ vào Lục đầu Giang ra biển. Trong cương thổ “nửa đồng nửa núi” ấy có non nửa được che phủ bởi rừng; có trên 23.000ha chè và hàng trăm nghìn héc-ta cây trái. Nửa đồng là lúa, trang trại, phố thị, làng mạc, nhà máy… quần cư của triệu hai cư dân Thái Nguyên cho đến năm 2024 đã cơ bản là nông thôn mới…

Ta cùng tìm hiểu về người

Thái Nguyên có những anh hùng hào kiệt và truyền thống yêu nước rất đỗi hào sảng. Năm 40, Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Đông Hán ở Giao Chỉ, nhân dân Thái Nguyên đã tích cực tham gia. Châu Giã Năng (Phổ Yên ngày nay), thời nhà Tùy, thời Lương là quê hương của Lý Bí (Lý Bôn). Năm 542, ông đánh thắng giặc Lương, xưng vua (Lý Nam Đế), định đô ở Thăng Long, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Thời hậu Lê, thế kỷ XV, đất Văn Yên, Đại Từ nổi lên là một trung tâm thương mại sầm uất, cha con Lưu Nhân Chú tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi, lập nhiều công trạng, Lưu Nhân Chú được phong tới chức Tể tướng, Thượng tướng quân…

Thời cận đại, một sự kiện vang dội cả nước, làm rung động nước Pháp, lan tỏa ảnh hưởng tới các xứ thuộc địa, nổ ra ở Thái Nguyên vào đêm 30 rạng sáng 31/8/1917, là Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên chống Pháp do Trịnh Văn Cấn, tức Đội Cấn và nhân sĩ Lương Ngọc Quyến lãnh đạo…

Những trang đẹp nhất, hào hùng nhất đối với Thái Nguyên chính là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là việc xây dựng những an toàn khu, thành lập Đội Cứu quốc quân 2 vào ngày 15/9/1941; thành lập Chiến khu Nguyễn Huệ tại Đại Từ năm 1944…

Địa chỉ đỏ của việc thống nhất lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành quân đội thống nhất có tên Việt Nam giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân bách chiến, bách thắng ngày 15/5/1945 tại Định Biên, Định Hóa.

Trang lịch sử sáng chói, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên là đóng góp xuất sắc cho thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm, trong đó là bảo vệ thành công ATK tuyệt mật của cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ…

Kết thúc các cuộc kháng chiến, Thái Nguyên có 180 điểm di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, nhiều điểm di tích là quan trọng và đặc biệt quan trọng của đất nước, của dân tộc. Ở đó chẳng những là chứng nhân mà còn là hành trang để Thái Nguyên phát triển trong thời hòa bình, xây dựng…

Người Thái Nguyên có quyền tự hào được sống, chiến đấu và lao động ở một vùng đất luôn đi đầu, luôn đoàn kết các dân tộc anh em, luôn tạo ra các điểm nhấn cho những đổi mới và phát triển…

Sức bật nội sinh trong kỷ nguyên vươn mình

Thái Nguyên ta có một lịch sử hào hùng, thế đi đứng thuận lợi là căn bản. Sức bật nội sinh trong kỷ nguyên dân tộc vươn mình phía trước là đầy đặn. Như vậy, muốn phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ kinh tế và xã hội, chúng ta làm gì?

Thứ nhất, tập trung nhiều cho việc nghiên cứu xây dựng nghị quyết Đảng từ cơ sở lên tỉnh. Thứ hai, đầu tư những lĩnh vực mà trong chúng ta đều thấy rất cần thiết. Công nghiệp chế tạo, điện tử cần phải tăng cường theo khả năng và tiềm năng. Cùng với đó là công nghiệp khai thác khoáng sản, luyện kim, chế tạo máy, công nghiệp gia công truyền thống. Chè phải phát triển thành một ngành sản xuất, chế biến hiện đại và khép kín. Phải xây dựng những vùng chè tập trung, sản xuất hữu cơ theo hướng công nghiệp và tự động. Từ tối ưu hóa sản xuất sẽ đa dạng hóa sản phẩm.

Phải xây dựng được ngành công nghiệp văn hóa. Trong công nghiệp văn hóa thì du lịch phải trở thành lĩnh vực mũi nhọn… Vùng chè, cơ sở chế biến có hoạt động thu hút khách. Di tích lịch sử, kháng chiến, hệ thống hang động… tăng cường bổ sung các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng; văn hóa, văn nghệ các dân tộc cũng sẽ làm phong phú, đa sắc cho hình ảnh quê hương…

Thứ ba, vươn mình trong du lịch phải có con đường và sản phẩm du lịch. Mùa Xuân là mùa của du lịch tâm linh và lễ hội điểm đến phải là vùng đồng bào Tày với lễ hội Lồng tồng “Áo em thêu chỉ biếc hồng? Mùa Xuân ngày hội Lồng tồng thêm vui”. Hè về là về với suối nguồn báo chí kháng chiến và nghỉ dưỡng thiên nhiên. Mùa Thu về với hệ thống di tích của Thủ đô kháng chiến ATK; du lịch hang động ở Linh Sơn (Đồng Hỷ), Phượng Hoàng (Võ Nhai), chùa Hang (Định Hóa)… Trong du lịch, lãnh thổ chỉ là tương đối, chúng ta nối dài đến những miền di sản của Việt Bắc thân yêu.

Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202501/trai-tim-ta-dap-o-thai-nguyen-aba0aa2/
Zalo