'Trái tim ta đập ở Thái Nguyên'

Tháng Tám trời thu xanh thẳm - đã đành quy luật thời tiết là thế. Nhưng tháng Tám năm nay có gì đó lạ lắm, lòng người cứ thấy xốn xang, tự hào khó tả.'…Hôm 9/8/2024 vừa rồi, người đổ về Thái Nguyên đông lắm. Về để dự lễ khánh thành một trong những địa chỉ đỏ của cách mạng, của kháng chiến - Di tích Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng thành lập năm 1949… Và hòa trong cảm xúc của dòng chảy về nguồn, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Ta tới núi xanh và suối bạc/Ngang trời Tam Đảo đứng nghiêng nghiêng/Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp/Trái tim ta đập ở Thái Nguyên...' (Quê hương Việt Bắc - Nguyễn Đình Thi).

Khu trung tâm TP. Thái Nguyên.

Khu trung tâm TP. Thái Nguyên.

Không ít người coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai, là quê gốc. Một thời kháng chiến gian lao, một thời lao động dựng xây đều là ký ức đẹp của bao thế hệ người Việt. Tôi là một trong những người như thế nên đồng cảm với nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi. Trái tim đập theo nhịp đập của trung tâm Thủ đô kháng chiến - nơi có vị lãnh tụ Hồ Chí Minh ngày đêm chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc những năm tháng gian khó…

Có người kể về Nguyễn Đình Thi rằng: Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Nhiều năm công tác tại chiến khu Việt Bắc, lâu nhất (giai đoạn 1949-1951) ông làm việc tại Hội Văn nghệ cứu quốc, đặt tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ). Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình...

Với bài thơ dài Quê hương Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi đã miêu tả đậm nét không chỉ địa danh mà là những cốt lõi của tình yêu đất nước, niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ và Bác Hồ kính yêu.

Vì sao “Trái tim ta đập ở Thái Nguyên”? Vì nơi đó là trung tâm của kháng chiến, nơi đó có Bác Hồ, có Đảng

"Một nhà sàn đơn sơ vách nứa
Bốn bên suối chẩy cá bơi vui
Đêm đêm cháy hồng bên bếp lửa
Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi
Nơi đây sống một người tóc bạc
Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả đời người là của nước non…”

Hơn 75 năm trước, Nguyễn Đình Thi đã nói hộ lòng người Việt Bắc, người Thái Nguyên như thế! Còn hôm nay, trước thềm của kỷ niệm tám mươi năm thành lập nước, chúng tôi đi lại những địa chỉ xưa mà luôn nghe như có tiếng người xưa vọng nói về. Nói rằng tình đất, tình người nơi đây là không thể đong đếm. Rằng mảnh đất, con người nơi này đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa. Cùng với nơi đây vẫn luôn cần những người vì quê hương, vì nguồn cội mà có trái tim nhịp đập chung?

Tỉnh ta vốn có vinh dự lớn là có chính quyền cách mạng sớm, đó là ngày 20/8/1945, chỉ sau lệnh Tổng khởi nghĩa phát đi từ Tân Trào 4 ngày. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Rõ ràng, Thái Nguyên là thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân xâm lược Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện…”.

***

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên gần 80 năm qua đều tích cực và đoàn kết thực hiện nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt mấy năm gần đây Thái Nguyên đã giành những kết quả ngoạn mục. Bức tranh kinh tế - xã hội mang nhiều gam mầu tươi sáng. Công nghiệp vẫn dẫn trước về giá trị. Nhà máy về mọi miền quê, người nông dân trở thành công nhân, trí thức ngay trên quê hương mình. Phong trào xây dựng nông thôn mới được làm tốt, thực chất là hiện đại hóa nông thôn… Với việc tự chủ được thu, chi ngân sách, Thái Nguyên như đã trưởng thành toàn diện, con đường hướng tới phồn vinh đang ở phía trước rất gần…

Đang ở năm cuối của nhiệm kỳ XX, trong những ngày mùa Thu cách mạng này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào thắng lợi của 5 năm phấn đấu. Năm năm tiếp là những đòi hỏi cao hơn, thần tốc hơn để có nhiều nhiều lẵng hoa chào mừng một trăm năm Đảng ta.

Tôi cứ đau đáu về một ý nghĩ: Phải chăng chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn mới - Giai đoạn được tích lũy đầy đủ trí và lực. Giai đoạn cuộc sống người dân đòi hỏi cao hơn. Giai đoạn mà thế hệ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều sinh ra trong hòa bình, được nuôi dưỡng đầy đủ, rèn luyện trong môi trường cấp tiến sẽ gặp nhiều thuận lợi trong chỉ đạo và thực hiện. Nhưng người Thái Nguyên và bè bạn đều cần lắm một nhịp đập, nhịp đập ở Thái Nguyên, với Thái Nguyên.

Tùy bút của Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202409/trai-tim-ta-dap-o-thai-nguyen-78b18b9/
Zalo