'Trải thảm đỏ' thu hút đầu tư

Bình Dương, địa phương đang chuyển hướng sang các lĩnh vực công nghệ cao, môi trường thân thiện và phát triển bền vững. Điều này đang giúp tỉnh định hình mình thành một trung tâm kinh tế và công nghiệp hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Vốn FDI tăng mạnh

Thu hút FDI của tỉnh Bình Dương hiện gấp trên 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến nay có hơn 4.000 dự án đầu tư từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 Một hoạt động xúc tiến đầu tư do tỉnh Bình Dương tổ chức.

Một hoạt động xúc tiến đầu tư do tỉnh Bình Dương tổ chức.

Sau thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa với hàng ngàn dự án đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương đã chuyển hướng sang việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Đặc biệt, tỉnh đã mở rộng các khu công nghiệp đầu tư thế hệ mới đáp ứng đầy đủ về phát triển xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, áp dụng nổi trội khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để tạo ra năng suất lao động cao và đạt giá trị kinh tế lớn.

Điển hình trong số đó là dự án của Lego với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD đang xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP3. Đây là dự án tiêu biểu cho chuyển đổi mô hình công nghiệp thế hệ mới và nâng cấp chất lượng về thu hút đầu tư tại Bình Dương.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh nhà, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã tiếp tục kế thừa và phát huy chủ trương trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài của tỉnh Sông Bé cũ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, phối hợp đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường ngoại giao kinh tế.

 Mặc dù vốn đầu tư luôn tăng trưởng nhưng tỉnh Bình Dương xác định sẽ thu hút theo hướng có chọn lọc.

Mặc dù vốn đầu tư luôn tăng trưởng nhưng tỉnh Bình Dương xác định sẽ thu hút theo hướng có chọn lọc.

Quy hoạch vành đai công nghiệp, vành đai đô thị, dịch vụ gắn với vành đai giao thông, phát triển công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp Công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Quan tâm công tác quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, trong đó phục vụ nhu cầu cho nhà đầu tư như tuyến đường vành đai, tuyến đường sắt và ga hàng hóa hậu cần.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng cần hình thành trường đại học chất lượng cao phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.

Đa dạng hình thức đào tạo nhân lực

Mặc dù đạt được những kết quả rõ rệt nhưng so với yêu cầu phát triển hiện nay của tỉnh, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ cả về lượng và chất. Về lượng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ thiếu lao động chất lượng cao mà ngay cả lao động phổ thông cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển của doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế trên, Th.s Vũ Thị Yến Trường Chính trị Bình Dương cho rằng, cần phải làm cho tất cả mọi người nhận thức rõ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ của toàn xã hội. Do đó, nên khuyến khích sự nghiệp đào tạo nghề, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức xã hội, mọi người lao động tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng người lao động theo yêu cầu của thời kỳ mới.

 Song song với việc thu hút đầu tư, tỉnh đang đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực để đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Song song với việc thu hút đầu tư, tỉnh đang đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực để đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chú trọng đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, học tập; phương thức đào tạo phải linh hoạt nhằm sớm giải quyết vấn đề nguồn lao động trình độ học vấn thấp và tình trạng yếu kém về chuyên môn kỹ thuật. “Việc đào tạo nghề cho người lao động nên phải có sự kết hợp tiến hành trong cả ba hệ thống: hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông trong hệ thống giáo dục; đào tạo cơ bản trong các trường, các lớp dạy nghề; bồi dưỡng tay nghề thường xuyên trong các doanh nghiệp”, bà Yến đề xuất.

Để nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề cho nguồn nhân lực cũng rất cần một cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, gắn kết trách nhiệm một cách thỏa đáng rõ ràng giữa các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Phát triển khoa học công nghệ để tạo môi trường, điều kiện cho sự phát triển nguồn nhân lực cũng đang được đặt ra cấp bách. Đây là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định sự phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Sự phát triển công nghiệp hiện đại và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất là yếu tố khách quan quy định chất lượng của nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, trước mắt, nên tập trung vào một số nội dung vừa cơ bản, vừa cấp bách như: Đảm bảo đầy đủ việc làm cho người lao động; quyền có việc làm và quyền được làm việc là một trong những lợi ích cơ bản của người lao động; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, của chính yêu cầu sản xuất, là tiền đề để nguồn nhân lực phát triển trên mọi phương diện; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội với thủ tục đơn giản, nhanh gọn và theo hướng có lợi nhất cho người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích tài năng, tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại; giải quyết tốt vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học cho người lao động nhập cư và con em của họ.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trai-tham-do-thu-hut-dau-tu-10292906.html
Zalo