Trái ngọt từ sự 'đồng lòng - thông suốt', kỳ 2: Tăng tốc về đích

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, với sự tích cực, linh hoạt và năng động của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong thời gian hơn 1 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030...

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 133 lượt dự án, với tổng số vốn 2,74 tỷ USD. Trong ảnh: Tập đoàn khí công nghiệp hàng đầu thế giới Messer triển khai dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: L.K

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 133 lượt dự án, với tổng số vốn 2,74 tỷ USD. Trong ảnh: Tập đoàn khí công nghiệp hàng đầu thế giới Messer triển khai dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: L.K

Cụ thể hóa kịch bản tăng trưởng

Năm 2024 là năm “tăng tốc” thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đứng trước nhiệm vụ phải hoàn thành các mục tiêu quan trọng của cả nhiệm kỳ, Thái Nguyên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, hoạt động hiệu quả của HĐND tỉnh, sự điều hành tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,03%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,75%, bằng 51,1% kế hoạch năm… Những kết quả đạt được là cơ sở để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, tạo thế và lực đưa tỉnh phát triển ổn định, bền vững, tạo đà cho những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và nhìn nhận một cách khách quan cho thấy, KT-XH của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu như kỳ vọng; công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, môi trường ở một số địa phương còn hạn chế; nhiều DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do thị trường thu hẹp, khả năng tiếp cận vốn hạn chế…

Mặc dù được dự báo là rất khó khăn, nhưng với quyết tâm cao nhất, tỉnh đã dự kiến kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 đạt 8,5%; năm 2025 đạt 8%; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8%/năm.

Từ kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2024, kịch bản đưa ra là tăng trưởng quý III/2024 cần đạt 9%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 10,3% (giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp từ 10,5% trở lên), khu vực dịch vụ đạt 7,5%; tăng trưởng quý IV/2024 cần đạt 8,52%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 9,53% (giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp từ 9,9% trở lên), khu vực dịch vụ đạt 8,4%.

Chi cục Hải quan Thái Nguyên đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ Hải quan trao đổi với cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Chi cục Hải quan Thái Nguyên đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ Hải quan trao đổi với cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Trong lĩnh vực công nghiệp, để hoàn thành kế hoạch thì giá trị sản xuất 6 tháng cuối năm cần đạt 631 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ và tăng 48,7% so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, công nghiệp địa phương cần đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ và tăng 49,1% so với 6 tháng đầu năm. Ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản phải đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ...

Quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhóm chỉ tiêu của năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025, tại các phiên họp của UBND tỉnh và nhiều cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng; tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…

Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; trọng tâm là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và ban hành danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến đầu tư, bằng nhiều hình thức để mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng triển khai các dự án phù hợp với đặc thù địa phương, phát huy tốt lợi thế về tài nguyên quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào.

Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Cán bộ của Sở Công Thương trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ của Sở Công Thương trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Với phương châm luôn “Đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân”, thời gian qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền. Đồng thời thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư..., tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

Kết quả thực hiện 14 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển KT-XH của tỉnh sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cho thấy nhiều chỉ tiêu đã được hoàn thành, dự báo vượt ở mức cao; một số chỉ tiêu tuy chưa đạt kế hoạch nhưng có căn cứ để hiện thực hóa. Điều này tiếp tục nhân lên niềm tin, tạo khí thế, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, “trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh…” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh ngày 1/1/1964.

Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/trai-ngottu-su-dong-long-thong-suot-ky-2-tang-toc-ve-dich-d772304/
Zalo