Trải nghiệm số hóa trong không gian bảo tàng

Để thu hút, hấp dẫn công chúng, ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển bảo tàng hiện đại.

Trong cuộc đua chuyển đổi số, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày với 8 ngôn ngữ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Truyền thông Đối ngoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Công chúng ở bất cứ nước nào, thời điểm nào cũng có thể tìm hiểu về các tác phẩm được lưu giữ tại bảo tàng".

Bảo tàng Hà Nội cũng ngày càng đa dạng cách thức trải nghiệm của công chúng qua việc thiết kế nội dung chương trình trải nghiệm với hình ảnh 3D, trưng bày ảo… giúp cho việc tham quan được sinh động hơn. Công nghệ trưng bày tương đối mới, không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa hiện vật và người xem mà còn giúp thể hiện sâu hơn thông tin hiện vật.

Ông Đặng Minh Vệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: "Khách đến đây rất thích trải nghiệm công nghệ này vì được nhìn thấy hiện vật nhiều chiều, chi tiết. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp bảo tàng lưu giữ tư liệu hiệu quả hơn".

Việt Nam có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân. Khái niệm “Bảo tàng số”, “Bảo tàng thông minh”, “Bảo tàng ảo” không còn xa lạ. Số hóa đang giúp cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn với người xem.

Không chỉ phục vụ công tác trưng bày, phục vụ công chúng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng còn giúp thu thập thông tin, tạo cơ sở dữ liệu về các hiện vật, các di sản được trưng bày để đáp ứng các công tác nghiên cứu, phục dựng, góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa hiệu quả.

Thanh Hồng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/trai-nghiem-so-hoa-trong-khong-gian-bao-tang-318217.htm
Zalo