Trái chiều kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán

Trong bối cảnh VN-Index tăng mạnh trong năm 2024 (tăng 10,18% tính từ đầu năm đến nay), chỉ tiêu thanh khoản cũng tích cực khi giá trị giao dịch bình quân tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 24.598 tỷ đồng, tăng 39,9% so với bình quân năm trước, nhóm các công ty chứng khoán (CTCK) rất được giới đầu tư chờ đợi trong mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2024.

Với những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, loạt CTCK top đầu thị phần đều đồng loạt báo lợi nhuận tăng mạnh trong quý II/2024. Theo đó, là CTCK đầu tiên công bố BCTC quý II/2024, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) đã phát đi tín hiệu tích cực khi công bố doanh thu hoạt động đạt 883 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 271 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2023. Lãi ròng thu về gần 217 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục theo quý trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Theo sau MBS, loạt công ty khác cùng ngành cũng đã công bố kết quả kinh doanh đầy hứng khởi. Điển hình là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với lãi trước thuế quý II đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 192% (gần gấp 3 lần) so với cùng kỳ năm trước. Đây đồng thời là kết quả một quý kỷ lục của TCBS.

Cùng ghi nhận kết quả khởi sắc trong quý II/2024, FTS báo lãi trước thuế tăng 13% lên 189,6 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 15% lên 160,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt trên 327 tỷ đồng, tăng 49% so với bán niên 2023. Qua đó, hoàn thành 90% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh đó, bức tranh tích cực về lợi nhuận quý II của ngành chứng khoán cũng lan tỏa sang nhiều công ty khác như Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (tăng gần 100%, đồng thời là mức cao nhất gần 3 năm), Chứng khoán Vietcap (tăng 160%), Chứng khoán An Bình (tăng 260%)…

Hướng ngược lại, hàng loạt CTCK quy mô nhỏ hơn cũng vừa hé lộ bức tranh tài chính - kinh doanh quý II/2024 song với kết quả kém khả quan hơn.

Điển hình là Chứng khoán KIS khi ghi nhận lãi ròng giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, do chi phí hoạt động tăng mạnh. Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của công ty này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 653 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 355 tỷ đồng tăng 200 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái; lãi từ các khoản phải thu và cho vay tăng mạnh lên 156 tỷ; doanh thu môi giới tăng nhẹ 111 tỷ đồng.

Dù vậy, tổng chi phí hoạt động quý II ghi nhận gần 447 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ, với toàn bộ các khoản chi phí đều tăng mạnh. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 71%, đến hơn 76 tỷ đồng, trong khi phí tài chính tăng đột biến, gấp 6,8 lần cùng kỳ, đạt 5,1 tỷ đồng. Như vậy, dù quý II có doanh thu bùng nổ, nhưng chi phí cũng bị đội lên đáng kể khiến lãi ròng của KIS lùi nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 102 tỷ đồng.

Tương tự, chi phí môi giới và quản lý cũng kéo lùi lợi nhuận của Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS). Theo đó, doanh thu quý II của công ty giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu lãi tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và một phần do doanh thu hoạt động tư vấn tài chính với mức giảm của hai hoạt động này lần lượt là 61% và 39%.

Trong khi tổng chi phí tăng hơn 12,9% do tăng chi phí hoạt động môi giới 11,1%, chi phí hoạt động tự doanh tăng 19%. Do đó, quý II công ty báo lãi 1,48 tỷ đồng giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tân binh sàn HOSE - CTCK DNSE ghi nhận lãi sau thuế quý II là 34 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Dù kết quả lãi giảm trong quý II/2024 (chủ yếu do ảnh hưởng của việc đánh giá lại danh mục tự doanh), song điểm sáng là khối lượng và giá trị giao dịch thực hiện của nhà đầu tư tại DNSE tiếp tục tăng cao.

2 CTCK khác có vốn góp của các Fintech là Chứng khoán CV (CTCP Dịch vụ Di động Trực Tuyến nắm 49%) và Chứng khoán Vina (do Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam nắm 90%) đều đồng loạt báo lỗ trong quý II/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lỗ ròng Chứng khoán CV đến gần 14 tỷ đồng, kéo theo lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2024 tới gần 108 tỷ đồng. Trong khi đó, VNSC lỗ đến hơn 11 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lỗ sau thuế chưa phân phối công ty tại ngày 30/6/2024 lên đến hơn 270 tỷ đồng.

Về phần mình, trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Sen Vàng đạt gần 1,5 tỷ đồng, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước, với đóng góp chủ yếu là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Được biết, đây là khoản tiền gửi với tổng giá trị 50 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng tại NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội chi nhánh Vĩnh Phúc, lãi suất là 5,8%/năm.

Đáng chú ý, doanh thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi không cố định Chứng khoán Sen Vàng trong quý II/2024 lại là -721 triệu đồng.

Chi phí quản lý công ty chứng khoán quý II/2024 tăng 28,7% lên hơn 3 tỷ đồng, tăng chủ yếu do chi phí dịch vụ mua ngoài 1,33 tỷ đồng (tăng gần 204%).

Tính ra, lũy kế nửa đầu năm 2024, CTCK này lỗ 3,7 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục đã đẩy lỗ lũy kế chưa phân phối của Chứng khoán Sen Vàng tại ngày 30/6/2024 lên hơn 71 tỷ đồng.

Đức Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trai-chieu-ket-qua-kinh-doanh-cua-cac-cong-ty-chung-khoan-154741.html
Zalo