Trái cây tăng giá nhẹ, dịch vụ nấu cỗ đắt khách ngày ông Công ông Táo
Thị trường đồ cúng ông Công ông Táo năm nay khá sôi động. Trong khi trái cây, hoa tươi tăng giá nhẹ; bộ đồ cúng ít biến động thì cá chép lại giảm giá. Dịch vụ nấu cỗ trở nên đắt khách.
Trái cây dồi dào, tăng giá nhẹ
Theo ghi nhận của phóng viên VTC News tại các chợ dân sinh như Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), chợ La Khê (Hà Đông), Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng)… cửa hàng nào bán đồ cúng ông Công ông Táo cũng tấp nập người mua ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp.
Mặt hàng trái cây phong phú và chỉ một số loại tăng nhẹ. Cụ thể, phật thủ có giá từ 30.000-500.000 đồng/quả tùy loại, quýt Sài Gòn từ 35.000-40.000 đồng/kg, vú sữa từ 45.000-65.000 đồng/kg, bưởi Diễn từ 15.000-30.000 đồng/quả, lựu đỏ giá từ 30.000-40.000 đồng/kg. Duy chỉ có cau tươi là vẫn tăng mạnh, giá khoảng 10.000-12.000 đồng/quả, tăng gấp đôi ngày thường.
Hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách trong dịp này. Giá hoa cũng tăng hơn so với năm trước một chút. Đơn cử, hoa cúc, hoa hồng giá 7.000-10.000 đồng/bông, hoa lay ơn giá 60.000-100.000 đồng/chục, giá hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai, giá cành đào nhỏ khoảng từ 50.000-60.000 đồng/cành.
Còn theo Báo Người Lao Động, tại chợ hoa Đầm Sen (TP.HCM), giá bán sỉ vạn thọ lên mức 80.000-100.000 đồng/chục, tăng ít nhất 30.000 đồng/chục so với ngày thường. Cúc cắt cành loại đẹp từ Đà Lạt chuyển xuống chỉ có giá 7.000-8.000 đồng/bó 5 cành; cúc lưới loại đẹp giá 25.000-30.000 đồng/bó, giá không chênh lệch nhiều so với ngày thường nhưng rất ít khách mua.
Cá chép mất giá, bánh hình cá chép hút khách
Theo ghi nhận của Báo Dân Trí, từ 0h ngày 23 tháng Chạp, chợ cá Tân An (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), cá chép vàng giá từ 80.000-100.000 đồng/kg.
Nhiều tiểu thương tại chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cá chép cúng ông Công ông Táo năm nay được mùa nhưng mất giá. Năm ngoái, có thời điểm cá chép đến 300.000 đồng/kg, năm nay từ 40.000-60.000 đồng/kg tùy loại xấu đẹp.
Bên cạnh cá chép sống, dịp Tết ông Công ông Táo năm nay, mặt hàng xôi, thạch, chả, bánh hình cá chép cũng hút khách mua về đặt trên mâm cúng.
Theo Báo Tiền Phong, loại xôi gấc hình tròn, bên trên bày cá chép màu vàng được tạo hình từ đậu xanh sên mịn đẹp mắt có giá từ 40.000-70.000 đồng, tùy theo kích thước.
Nhiều gia đình lựa chọn cúng mâm cỗ chay. Vì thế, chè trôi nước là mặt hàng bán rất chạy mỗi dịp 23 tháng Chạp. Giá tới 160.000 đồng/set, đắt hơn gấp 2-3 lần so với chè trôi nước thông thường, nhưng chè trôi nước hình cá chép vẫn hàng.
Bộ đồ cúng ít biến động
Tại Hà Nội, giá các mặt hàng vàng mã năm nay không có nhiều biến động so với mọi năm, bộ táo quân có giá từ 50.000-200.000 đồng/bộ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài giá 10.000-25.000 đồng/lễ.
Tại các chợ ở TP.HCM như chợ Thị Nghè, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hòa Bình (quận 5), chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), chợ Thiếc (quận 11), theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, giá bộ đồ cúng đưa ông Táo về trời bằng nguyên liệu giấy có áo mão, cò bay, cá chép, vàng bạc là 15.000 đồng/bộ, bằng chất liệu nhựa là 30.000 đồng/bộ. Loại đồ cúng có kích cỡ lớn có giá từ một, hai trăm nghìn đồng/bộ. Sức tiêu thụ vàng mã cũng tương đương năm ngoái chứ không tăng hay giảm nhiều.
Dịch vụ nấu cỗ đắt khách ngày ông Công ông Táo
Nhiều năm nay, dịch vụ đặt mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày càng phổ biến, để phục vụ các gia đình bận rộn, ít có thời gian tự chuẩn bị. Theo VTC News, nếu như trước kia, các mâm cỗ mặn có giá 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng thì năm nay, giá phổ biến từ 1,2-1,5 triệu đồng. Mâm cỗ chay gồm 14 món tùy chọn, với giá dao động từ 500.000-600.000 đồng/mâm.
Ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận có rất nhiều đơn vị nhận đặt cỗ online với thực đơn rất phong phú. Dịch vụ này rất tiện dụng, khách hàng chỉ cần đặt món, chốt ngày giờ là sẽ có người mang đến tận nơi trong lúc đồ ăn vẫn còn nóng.