Trái bóng dành cho người khiếm thị
Trang Africa News giới thiệu trái bóng Soundball giúp người khiếm thị có thể chơi môn thể thao vua.
Xưởng sản xuất Soundball nằm ở Nairobi, được hỗ trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận Alive and Kicking. Nhà sáng lập Martin Bernard chia sẻ: “Mọi người đều có quyền được chơi bóng đá, ngay cả khi họ không nhìn thấy. Tôi rất may mắn khi có cơ hội tìm ra cách tạo ra một trái bóng lúc lăn sẽ phát âm thanh để người khiếm thị có thể nghe tiếng, đuổi theo và vui chơi như người bình thường”.
Soundball trông chẳng khác gì trái bóng thông thường. Thế nhưng bên trong là các ngăn kim loại cùng ổ bi tạo nên âm thanh lúc bóng lăn. Trái bóng đặc biệt này được sản xuất thủ công và tuân thủ 6 trên 7 tiêu chuẩn chất lượng do FIFA đặt ra, gồm cả tiêu chuẩn về độ xoáy lẫn độ nảy. Bóng chỉ không đạt yêu cầu về khả năng hấp thụ nước mà thôi.

Soundball trông chẳng khác gì trái bóng thông thường - Ảnh: Africa News
Vận động viên khiếm thị người Kenya Henry Wanyoike (từng đoạt nhiều huy chương Paralympic cho người khuyết tật) rất hào hứng với dự án. Anh tin rằng người trẻ tuổi không nên bị loại khỏi các môn thể thao vì họ khuyết tật.
“Soundball là dấu hiệu của hy vọng vì nó giúp chúng tôi không bị bỏ lại phía sau. Trước đây chỉ có vài môn thể thao dành cho người khuyết tật, nhưng ngày nay thông qua những đổi mới như Soundball chúng tôi có thể tham gia nhiều môn hơn, cử nhiều đại diện tham gia Paralympic hơn”, theo vận động viên Wanyoike.
Học sinh tại trường Thika dành cho người khiếm thị rất thích Soundball, trong đó có Dennis Gitonga (từng đi theo con đường trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trước khi mất thị lực ở tuổi 14). Tình yêu với môn thể thao vua được khơi lại nhờ trái bóng đặc biệt.
Gitonga chia sẻ: “Việc tham gia futsal giúp em nhớ lại quá khứ của mình cũng như cảm thấy được hòa nhập”.
Giáo viên John Kariuki Njeru cho biết: “Học sinh khiếm thị có rất ít môn thể thao để chơi. Vì vậy thêm được số môn mà các em có thể chơi là điều tốt, đặc biệt ở trường học”.