Trách nhiệm với kiến nghị của cử tri
ĐBP - Giải quyết kiến nghị cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, cơ quan Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Song những năm qua, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và người dân; một số cơ quan, đơn vị, cán bộ chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tiếp nhận, trả lời kiến nghị cử tri nên trong chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát; công tác phối hợp trong tham mưu, giải quyết kiến nghị của cử tri có việc chưa kịp thời, dứt điểm.
Theo thống kê, trước và sau kỳ họp thứ 14, HÐND tỉnh khóa XIV, UBND tỉnh đã tiếp nhận 48 kiến nghị của cử tri; trong đó có 22 kiến nghị trước và sau kỳ họp, 26 kiến nghị từ các kỳ họp trước. Trong số đó có 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; 30 kiến nghị thuộc các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBDN tỉnh; 12 kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện và 2 kiến nghị thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương. Ðến ngày 4/11, mới có 32 kiến nghị được giải quyết xong; 4 kiến nghị đang giải quyết; 12 kiến nghị được tiếp thu đang trong quá trình giải quyết. Có 2 kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10 (năm 2019), UBND tỉnh xác định thời gian giải quyết trong năm 2019 và 2020, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Thậm chí, có 9 kiến nghị của cử tri từ các kỳ họp thứ 4, 5, 9 ,10, 12 (năm 2016) đến nay vẫn chưa được giải quyết; UBND tỉnh đã tiếp thu nhưng chưa xác định được thời gian giải quyết cụ thể, trong đó có những việc đã kéo dài nhiều năm, cử tri bức xúc, cụ thể như: Việc triển khai thực hiện Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên”; Dự án Trung tâm hoạt động thanh, thiếu niên do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư đã kéo dài gần 20 năm chưa hoàn thành…
Bên cạnh đó chất lượng giải quyết còn hạn chế, nhiều văn bản trả lời cử tri thiên về trích dẫn các quy định của pháp luật; một số văn bản trả lời, giải trình rất chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh; đồng thời, chưa chỉ ra trách nhiệm của cơ quan, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện nên còn thiếu thuyết phục. Một số kiến nghị cử tri phản ánh đã được các sở, ngành, địa phương tiếp thu, nhưng việc giải quyết quá lâu, gây bức xúc cho người dân. Do đó cử tri vẫn kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp, tiếp xúc cử tri…
Ðể tránh tình trạng đơn thư kiến nghị kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây mất niềm tin của người dân thì một trong các giải pháp là giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri. Do đó cần nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri; xác định rõ phương án, lộ trình và tập trung giải quyết dứt điểm kiến nghị thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm. Ðối với các cơ quan giám sát cần tăng cường giám sát tiến độ, chất lượng giải quyết kiến nghị của các cơ quan, đơn vị. Gắn trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết kiến nghị cử tri nếu để chậm hoặc giải quyết chưa thấu đáo.