Trách nhiệm và sứ mệnh của nhà giáo trong đổi mới giáo dục

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung trách nhiệm, sứ mệnh của nhà giáo trong đổi mới giáo dục và chuyển đổi số.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Khuyến khích nhà giáo đổi mới sáng tạo

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn Quảng Ninh đề nghị, bổ sung trách nhiệm và sứ mệnh của nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục và chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân toàn cầu.

Quy định này nhằm phù hợp với xu thế hiện đại hóa giáo dục hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về chuyển đổi số tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, không thể thiếu đội ngũ nhà giáo.

Do đó, việc bổ sung vị trí, vai trò của Nhà giáo trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ tạo động lực, khuyến khích, hỗ trợ nhà giáo đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và truyền tải kiến thức đến học sinh.

Nữ đại biểu đề nghị, sửa đổi khoản 2, điều 3 dự thảo Luật Nhà giáo như sau: “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục; có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập, xã hội số, công dân số và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung tại Khoản 6, Điều 6 như sau: “Khuyến khích nhà giáo đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nghề nghiệp”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, trên thực tế hoạt động ứng dụng công nghệ số đã được nhiều giáo viên áp dụng hiệu quả, thành công.

Đề cập đến chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ Nhà giáo, đại biểu đoàn Quảng Ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản về chính sách của Nhà nước trong việc phát triển các cơ sở giáo dục thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Điều này nhằm thu hút người giỏi, có tài năng theo học các trường đào tạo giáo viên, giảng viên, đảm bảo các trường có cơ sở vật chất tốt nhất cho hoạt động đào tạo các nhà giáo tương lai.

 Giờ học của cô và trò trường THCS Hà Lộc (TX Phú Thọ).

Giờ học của cô và trò trường THCS Hà Lộc (TX Phú Thọ).

Giảm áp lực cho giáo viên

Về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung cụm từ “ứng dụng công nghệ số” sau cụm từ “rèn luyện”, để làm rõ thêm vai trò của nhà giáo trong việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy.

Ngoài ra, cần làm rõ nội hàm nghiên cứu khoa học có bao gồm việc đổi mới phương pháp dạy học hay không? bởi nhiều giáo viên phổ thông không thể làm nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhưng đều phải đổi mới phương pháp dạy học để phù hợp với thực tiễn, từng cấp học, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Do vậy, đại biểu đoàn Quảng Ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật như sau: “Nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng cấp học”. Điều này cũng làm giảm áp lực cho giáo viên khi không có điều kiện để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét, rà soát, sửa đổi điểm đ, khoản 2, điều 9 về nghĩa vụ của Nhà giáo, để thống nhất nội dung “đổi mới phương pháp dạy học và chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy”của nhà giáo.

Cụ thể, bổ sung vào cuối điểm b, khoản 2 cụm từ “tránh gây áp lực học tập cho người học và không chạy theo thành tích”. Đây là một nội dung quan trọng, cần được thể chế hóa rõ ràng trong pháp luật để định hướng đúng đắn cho hoạt động giáo dục.

Theo đại biểu, việc quy định nghĩa vụ này mang ý nghĩa cả về đạo đức nghề nghiệp, chất lượng giáo dục thực chất và bảo vệ quyền lợi của người học. Gây áp lực học tập có thể bao gồm việc giao khối lượng bài tập quá tải, ép buộc học sinh học thêm, tạo tâm lý sợ hãi qua hình thức kỷ luật khắt khe, so sánh tiêu cực giữa học sinh với nhau... chạy theo thành tích là việc chạy theo các chỉ số điểm số, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, tốt nghiệp thi đua, mà bỏ qua thực chất quá trình dạy và học.

Quy định nghĩa vụ này góp phần bảo vệ sự phát triển toàn diện của người học, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất thay vì chỉ đánh giá kết quả qua điểm số.

Qua đó, góp phần giảm thiểu bệnh thành tích trong giáo dục, vốn là vấn đề tồn tại lâu dài, ảnh hưởng tới cả hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo điều kiện để giáo viên làm nghề với trách nhiệm thực chất, tránh áp lực từ việc bị “giao chỉ tiêu” không hợp lý về thành tích lớp học.

Liên quan đến quy định về đạo đức nhà giáo (Điều 10, dự thảo Luật Nhà giáo), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung một khoản về giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục có trách nhiệm phổ biến, triển khai và giám sát thực hiện quy tắc ứng xử của Nhà giáo, để việc ban hành quy tắc ứng xử không chỉ là việc ban hành trên giấy mà đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trach-nhiem-va-su-menh-cua-nha-giao-trong-doi-moi-giao-duc-post730286.html
Zalo