Trách nhiệm tự phê bình và phê bình
Ngày 20-1-2025, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Quy định số 232-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng. Đây là quy định có tính bao quát, toàn diện, nhằm giúp các tổ chức đảng và mỗi đảng viên thực hiện đúng các nội dung của Điều lệ Đảng. Vì thế, việc làm rõ những điểm mới trong Quy định số 232-QĐ/TW có ý nghĩa quan trọng đối với các tổ chức đảng và đảng viên hiện nay. Và bài viết không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu những điểm mới trong việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng, về sinh hoạt đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong quy định này.
Giới thiệu và kết nạp người vào Đảng
Tại Mục 3 của Quy định số 24-QĐ/TW năm 2021 quy định: “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay và tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”. Tuy nhiên, đến Quy định số 232-QĐ/TW năm 2025, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”. Như vậy, ở Quy định số 232-QĐ/TW đã bỏ nội dung “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay” mà chỉ còn “Vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị” của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Về đối tượng không xem xét kết nạp lại, Quy định số 24-QĐ/TW quy định: “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra khỏi Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên”. Nhưng ở Quy định số 232-QĐ/TW, nội dung nêu trên đã được điều chỉnh như sau: “Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra khỏi Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên”. Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW đã nêu rõ, nếu “Bị kết án hình sự về tội tham nhũng; bị kết án hình sự về tội phạm nghiêm trọng trở lên” thì thuộc đối tượng không xem xét kết nạp lại.
Đối với việc giải quyết khiếu nại về xóa tên đảng viên, tại Mục 8 Quy định số 24-QĐ/TW nêu: “Cơ quan tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại”. Nhưng ở Quy định số 232-QĐ/TW đã chỉ rõ “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại”. Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW đã bổ sung, nêu rõ cơ quan có nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại là “Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của cấp ủy”.
Giới thiệu sinh hoạt đảng
Về trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng, tại Mục 6 Quy định số 24-QĐ/TW quy định: “Các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ủy nhiệm cho Ban Tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng”.
Tại Quy định số 232-QĐ/TW, nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn: “Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ủy nhiệm cho Ban Tổ chức của cấp mình; các cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng thuộc Quân ủy Trung ương được ủy nhiệm cho cơ quan chính trị cùng cấp; Đảng ủy Công an Trung ương được ủy nhiệm cho Cục Tổ chức cán bộ trong việc giới thiệu sinh hoạt đảng” (Mục 6). Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW đã sửa đổi, bổ sung các cơ quan có trách nhiệm giới thiệu sinh hoạt đảng.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình
Tại Mục 9 Quy định số 24-QĐ/TW nêu: “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm”. Còn Quy định số 232-QĐ/TW quy định: “Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm”.
Như vậy, Quy định số 232-QĐ/TW đã chỉ rõ trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trách nhiệm tự phê bình và phê bình trước hết thuộc về Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng và tương đương trở lên, cấp ủy cấp cơ sở, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy viên các cấp và đảng viên.