Trách nhiệm trong phòng, chống cháy nổ
'Một số địa phương phân công chưa rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; chưa kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý'.
Đây là một trong những nguyên nhân được nêu ra tại Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025.
Từ năm 2001, Việt Nam đã có Luật PCCC và đã sửa đổi, bổ sung 4 lần. Văn bản mới nhất là Luật số 55/2024/QH15, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025. Ngoài lực lượng chuyên trách, các văn bản pháp luật về PCCC cũng đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền từ cấp tỉnh đến xã trong công tác PCCC. Từ khi có Luật PCCC năm 2001, Quốc hội đã lấy ngày 4/10 hàng năm là "Ngày Toàn dân PC&CC", nâng cao nhận thức mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức về an toàn PCCC trên toàn quốc.
Ngoài văn bản pháp luật, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về một số giải pháp cấp bách trong công tác PCCC&CNCH; đặc biệt là Chỉ thị 01/CT-TTg (năm 2023), Chỉ thị 19/CT-TTg (năm 2024).
Đáng tiếc, tình hình cháy, nổ vẫn diễn ra nguy hiểm, phức tạp; nhiều vụ cháy xảy ra, thiệt hại lớn về sinh mạng, gây tâm lý hoang mang, nhất là với cư dân các đô thị. Sau các vụ cháy, nhiều bài học đặt ra về công tác PCCC, kể cả công tác phòng ngừa xã hội. Vụ phóng hỏa gây cháy làm thiệt mạng 11 người ở quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) gần đây còn đặt ra vấn đề phát hiện sớm, hóa giải những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.
Gần hai năm trước, tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023, khi xác định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, Thủ tướng yêu cầu phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; kèm theo cơ chế kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCCC&CNCH tại từng địa phương. Đồng thời, yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn.
Đáng tiếc, việc xử lý trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH vẫn là khâu yếu. Sau khi xảy ra các vụ cháy lớn, vẫn chưa thấy rõ vấn đề xử lý trách nhiệm của cơ quan và cá nhân thẩm quyền liên quan. Thực trạng này đỏi hỏi chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa, có các giải pháp cụ thể hơn nữa, xử lý nghiêm túc hơn nữa người có trách nhiệm khi để xảy ra cháy nổ, mục đích nhằm hạn chế tối đa những vụ cháy tang thương.