Trách nhiệm, tâm huyết với vấn đề cử tri quan tâm

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 9/12, người chất vấn và người được trả lời chất vấn đã thể hiện trách nhiệm và tâm huyết với những vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Phóng viên Báo LaichâuOnline lược ghi các ý kiến.

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh chất vấn:

Qua theo dõi gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ người được phân công trực tiếp giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 60), tôi nhận thấy đang có tình trạng “treo” chính sách. Theo thống kê của lực lượng Công an, từ khi Nghị quyết số 60 có hiệu lực đến nay, lực lượng công an cấp xã trong toàn tỉnh đã tiến hành lập 369 hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn; UBND cấp xã đã tiến hành phân công 343 người có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ những đối tượng này. Theo quy định tại Nghị quyết, những người này sẽ được hưởng hỗ trợ 360.000 đồng/tháng đối với mỗi trường hợp được phân công giáo dục, giúp đỡ. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2024 mới chỉ có 17/343 người được nhận hỗ trợ, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Đây là vấn đề khiến cử tri quan tâm, việc chậm thực hiện hỗ trợ, “tắc” chính sách cũng dễ dẫn đến người thực hiện nhiệm vụ nản lòng, thiếu nhiệt huyết. Với vai trò là thủ trưởng cơ quan chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, đề nghị đồng chí cho biết trách nhiệm để xảy ra tồn tại trên là do cấp nào? Giải pháp, tiến độ thời gian xử lý không để đối tượng thụ hưởng chậm được nhận chế độ?

Đồng chí Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp trả lời:

Qua nắm bắt tình hình thực tế, đến ngày 5/12/2024, có 25 trường hợp thuộc huyện Tân Uyên và Than Uyên đã được thụ hưởng chế độ, chính sách này. Một số huyện, thành phố còn lại chưa kịp thời lập dự toán từ cấp xã đến cấp huyện tổng hợp, xem xét, bố trí kinh phí chi trả, hiện còn 318 trường hợp chưa được chi trả.

Để xảy ra tồn tại trên, trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp xã - nơi có người được thụ hưởng chế độ, chính sách chưa chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng để lập dự toán kinh phí trình cấp huyện phân bổ. UBND cấp huyện chưa chủ động chỉ đạo triển khai, chưa bố trí, phân bổ kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc lập dự toán gửi UBND tỉnh tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ kinh phí hàng năm.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng nghiêm túc xin nhận trách nhiệm trước HĐND, UBND tỉnh về việc chưa chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Tư pháp kiến nghị: Đối với số người đã hoàn thành việc giúp đỡ đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà thời gian theo quyết định phân công đã kết thúc trước 31/12/2024 thì theo quy định tại Điều 14, Điều 64, Luật Ngân sách Nhà nước không được thanh toán do hết năm ngân sách. Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh có văn bản phê bình nghiêm khắc Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn có liên quan đã không nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 và quy định về phân cấp quản lý ngân sách dẫn đến người thụ hưởng không được chi trả chế độ theo quy định.

Đối với số người đang giúp đỡ đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà thời gian giúp đỡ theo quyết định phân công thực hiện vẫn còn sang năm 2025 và số xã, phường, thị trấn chưa lập dự toán nội dung chi Nghị quyết này năm 2025, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã lập bổ sung dự toán kinh phí gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí, phân bổ kinh phí theo phân cấp ngân sách hiện hành. Sau khi được phân bổ UBND cấp xã thực hiện chi trả đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

Sở Tư pháp sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ngay trong quý I/2025 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn kiểm tra trực tiếp tất cả các địa phương về thực hiện nhiệm vụ này. Sau kiểm tra, sẽ đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực hiện, tìm ra nguyên nhân các hạn chế, vướng mắc để kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách của Nghị quyết được nhận hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Minh Hiệp – Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) chất vấn:

Qua tiếp xúc, nhiều cử tri là lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 111) trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập kiến nghị được tăng lương do hiện nay mức lương hiện hưởng quá thấp không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, cùng với đó là các đối tượng được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước được tăng lương do mức lương cơ sở tăng từ 1,49 lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Đề nghị đồng chí cho biết lao động hợp đồng theo Nghị định số 111 có được tăng lương không? Giải pháp nào để tăng lương, tăng thu nhập cho đối tượng này nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống?

Đồng chí Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Tài chính trả lời:

Theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022, trong đó không quy định định mức chi cho các đối tượng hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị định số 111.

Căn cứ một số điều, khoản tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Nghị định số 73), Thông tư số 62/2024/TT-BTC ngày 20/8/2024 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73 và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, quy định khi xác định nhu cầu kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73.

Từ các căn cứ nêu trên, trường hợp các cơ quan, đơn vị ký kết với đối tượng HĐLĐ theo Nghị định số 111 có thỏa thuận trong HĐLĐ áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì được nâng lương theo mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng, nhưng cơ quan, đơn vị phải tự đảm bảo nguồn kinh phí. Thực hiện quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 111, thực tế trong HĐLĐ của các cơ quan, đơn vị thì tiền lương của người lao động đều áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng ngân sách của cơ quan, đơn vị mà không áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức.

Như vậy, việc tăng lương cho HĐLĐ của các cơ quan, đơn vị phải cân đối trong định mức phân bổ, áp dụng mức lương tối thiểu vùng và xem xét mặt bằng chung.

Đại biểu HĐND tỉnh Chang Phương Thảo – Phó Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) chất vấn:

Điều 16, Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc; theo yêu cầu thiết kế công sở cơ quan hành chính nhà nước (Tiêu chuẩn quốc gia). Trong khuôn viên xây dựng công sở phải bố trí chỗ đỗ xe. Chỗ đỗ xe phải thuận tiện cho việc bảo vệ, tránh ùn tắc khi có sự cố. Căn cứ vào số lượng xe của cán bộ công chức và khách đến giao dịch làm việc để bố trí chỗ đỗ xe, tầng hầm để xe. Chỗ để xe của khách phải tách riêng với chỗ để xe cơ quan…

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan và sự tôn nghiêm nơi làm việc, đề nghị UBND tỉnh cho biết: Trách nhiệm của của UBND tỉnh đối việc bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức khi đến nơi làm việc tại trụ sở Hành chính - Chính trị tỉnh? Giải pháp và lộ trình thực hiện thời gian tới như thế nào?

Đồng chí Hoàng Đại Thắng – Giám đốc Sở Xây dựng trả lời:

Trụ sở làm việc của các cơ quan Hành chính – Chính trị tỉnh được đầu tư xây dựng năm 2006 và đưa vào sử dụng năm 2009. Theo thiết kế gồm 6 tòa nhà A, B, C, D, E, F và một nhà G để xe tại khối nhà A và B. Dưới mỗi tòa nhà đều được thiết kế tầng hầm bố trí chỗ để xe cho cán bộ, công chức, viên chức và khách đến làm việc. Tuy nhiên, tại tầng hầm của các tòa nhà chỉ đủ bố trí nơi đỗ xe đối với phương tiện xe mô tô, xe đạp và xe ô tô công. Để có bãi đỗ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh đã xã hội hóa xây dựng 1 bãi đỗ xe có khả năng dung nạp khoảng 300 xe ô tô con.

Ngày 7/9/2023, Ban Quản lý Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh đã đề xuất phương án đỗ xe tại sân các tòa nhà tại Công văn số 33/CV-BQLTTHC-CT. Tuy nhiên, chỉ dung nạp được khoảng 186 xe và không phù hợp với thiết kế, công năng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Mặt khác, theo ý kiến của Công an tỉnh tại phiên họp về đề xuất nêu trên, việc đỗ xe trong sân các tòa nhà không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống khủng bố và bảo vệ mục tiêu.

Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo ô tô của cán bộ, công chức, viên chức sẽ để ở khu vực đường xung quanh các tòa nhà (toàn bộ khu vực đường này là đường nội bộ thuộc khu Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh); khách đến làm việc sẽ đỗ xe theo nội quy đã được ban hành. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, đề xuất nguồn kinh phí (nếu có) hoặc huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng bãi để xe cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở Hành chính - Chính trị tỉnh và khách đến làm việc theo quy hoạch được duyệt.

Đại biểu HĐND tỉnh Đào Xuân Huyên – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) chất vấn:

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trên cơ sở này tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1265/KH-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 2,5% GRDP của tỉnh và tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn tỉnh. Định hướng đến năm 2030 phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của tỉnh và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị đồng chí cho biết: Kết quả của kế hoạch trên sau quá trình thực hiện đã đạt được mục tiêu chưa? Kế hoạch thực hiện công nghiệp văn hóa tại Lai Châu trong thời gian tới? Trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch về công nghiệp văn hóa?

Đồng chí Trần Mạnh Hùng - Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trả lời:

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2016-2020 đạt 2.268,54 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2024 đạt 2.665,89 tỷ đồng (tăng trên 17% so với giai đoạn 2016-2020). Lực lượng lao động làm du lịch tại các bản dụ lịch/số lao động tại các bản có hoạt động du lịch chiếm khoảng 21,2%. Mặc dù tổng lượt khách du lịch đến Lai Châu và tổng doanh thu hoạt động du lịch tăng hàng năm, song kết quả thực hiện chưa đạt được mục tiêu theo Kế hoạch số 1265/KH-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, có giải pháp thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện công nghiệp văn hóa Lai Châu trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL xác định một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và phát triển du lịch toàn điện, nhanh và bền vững trong thời gian tới gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Tiếp tục phối hợp rà soát, tham mưu bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa, các tầng lớp xã hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa. Tạo các cơ chế ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai thu hút nhà đầu tư; chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm văn hóa khi sản xuất và lưu thông trên thị trường. Phối hợp tham mưu đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tập trung ứng dụng các công nghệ mới trong một số hoạt động (nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ), nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng. Tham mưu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững…

Kết quả thực hiện mục tiêu về công nghiệp văn hóa không đạt kế hoạch đề ra, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Sở VH-TT&DL. Do vậy, thời gian tới tập thể lãnh đạo Sở và cá nhân công chức, viên chức ngành VH-TT&DL xác định rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp, tham mưu triển khai thực hiệu quả công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…

Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh chất vấn:

Ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 68/2023/NQ-HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; người được giao nhiệm vụ hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Qua tiếp xúc cử tri, tôi nắm được thông tin sau 11 tháng nghị quyết được ban hành, đến nay có tới 3/4 chính sách không được triển khai; chính sách hỗ trợ quản lý sau cai nghiện là chậm thực hiện.

Với vai trò thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết trên, đồng chí cho biết việc tổ chức triển khai thực hiện được tiến hành như thế nào? Trách nhiệm thuộc về những cơ quan nào? Đồng chí có những giải pháp, lộ trình, thời gian thực hiện như thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống, các chính sách phát huy vai trò hỗ trợ công tác phòng ngừa “giảm cầu” ma túy?

Đồng chí Đèo Văn Thương – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời:

Đồng chí Đèo Văn Thương – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời:
Theo Nghị quyết số 68/2023/NQ - HĐND của HĐND tỉnh ngày 08/12/2023 ban hành về quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy; người được giao nhiệm vụ hỗ trợ các đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 68), có 4 đối tượng được hưởng chính sách (không phải ¾ chính sách như đại biểu nêu). Cụ thể: Người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đã chi cho 343 học viên được hưởng chính sách. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy đã chi cho 6 học viên. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng đã triển khai nhưng chưa thực hiện được. Người được giao nhiệm vụ quản lý sau cai nghiện ma túy đã có 4/8 huyện, thành phố đã được giao kinh phí để chi trả; các huyện, thành phố còn lại do không chỉ đạo xây dựng dự toán trình cấp có thẩm quyền giao kinh phí nên đến nay chưa chi trả cho người được giao nhiệm vụ.
Với chức năng quản lý nhà nước, Sở đã thực hiện các nội dung đảm bảo theo thẩm quyền, đã kịp thời tham mưu ban hành và trực tiếp ban hành các vân bản để triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh mới có 4/8 huyện, thành phố đề nghị bố trí kinh phí gồm: Phong Thổ, Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên gồm 4.957 triệu đồng để hỗ trợ thù lao cho người được giao nhiệm vụ quản lý sau cai nghiện. Các huyện, thành phố còn lại chưa chi trả thù lao cho người được giao quản lý sau cai nghiện. Trách nhiệm thuộc về UBND các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo đến các phòng, đơn vị, địa phương cơ sở tổng hợp, rà soát đối tượng và nhu cầu hỗ trợ; UBND các xã, phường, thị trấn chưa lập dự toán kinh phí hỗ trợ đối với người quản lý sau cai nghiện ma túy gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tổng hợp trình cấp thẩm quyền.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68, đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát và kịp thời lập dự toán để chi trả cho người được giao quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị quyết số 68.

Nhóm P.V

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-t%C3%A2m-huy%E1%BA%BFt-v%E1%BB%9Bi-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-c%E1%BB%AD-tri-quan-t%C3%A2m
Zalo