Trách nhiệm người đứng đầu
Miễn nhiệm ông Nguyễn Phú Cường cho thấy việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị mình phụ trách có sai phạm cũng đang được tiến hành một cách dứt khoát và mạnh mẽ.
Ngày 13/5/2023, đề cập về cán bộ có vi phạm, phải chịu trách nhiệm nếu cơ quan, đơn vị mình phụ trách có sai phạm, khi tiếp xúc cử tri thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất rõ, với cán bộ đã vi phạm và thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất là xin thôi, như thế là nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ.
Tổng Bí thư nói thêm “đã không xứng đáng thì thôi, từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Đã có rất nhiều trường hợp như thế và tới đây còn nữa, cứ chờ xem!”.
Thời gian qua, đã có những cán bộ kể cả cấp cao bị xử lý đúng tinh thần trên. Và sau khi Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri gần 10 ngày, chiều 22/3, Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách với ông Nguyễn Phú Cường. Trước đó, Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII cũng thống nhất để ông thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Trước khi đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, những năm 2016- 2021, ông Nguyễn Phú Cường là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ông là bí thư kế nhiệm ông Trần Đình Thành, người đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an (C03) bắt giam vì tội nhận hối lộ, và đã bị tòa tuyên án.
Vụ việc nêu trên nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
Đây cũng là vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi chỉ đạo và vừa qua đã đưa ra xét xử công khai.
Về vụ án kể trên, chỉ tính riêng tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành với số tiền 14,5 tỷ đồng. Việc đưa hối lộ của bà Nhàn diễn ra từ năm 2010 đến tận năm 2021.
Trong vụ việc này, nguyên Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng đã 14 lần nhận số tiền hối lộ 14,5 tỷ đồng từ bà Nhàn và một số nhân viên của Công ty AIC để tạo điều kiện cho công ty này trúng các gói thầu.
Không chỉ cá nhân sai phạm, tại kỳ họp thứ 23 (tháng 11/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự đảng, UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, đầu tư, đấu thầu, sử dụng đất tại một số dự án
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ, một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị xử lý hình sự.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 23 (tháng 11/2022), trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai và các ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Quốc Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh…
Ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin được thôi làm đại biểu Quốc hội và xin thôi làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách. Sau đó, ngày 22/5, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ này và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Nguyễn Phú Cường.
Ngày 3/11/2021, Trung ương Đảng có Quy định số 41/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Những quy định, kết luận nêu trên đã trở thành cơ sở cho việc từ chức hoặc cho thôi chức.
Bình đẳng trước pháp luật cũng đồng nghĩa với việc ai có tội thì phải bị xử lý, ai có công thì được khen thưởng, được cất nhắc. Đây cũng là cơ chế đề tìm ra người tài phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, đồng thời loại bỏ những cá nhân suy thoái, cơ hội dựa vào cơ chế để trục lợi.
Hơn thế, ngay cả việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị mình phụ trách có sai phạm cũng đang được tiến hành một cách dứt khoát và mạnh mẽ.
Việc ngày 16/5/2023, ông Nguyễn Phú Cường có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, thôi chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu và sau đó Quốc hội tiến hành các thủ tục miễn nhiệm cho thấy rõ điều đó.