Trách nhiệm nêu gương
Hôm qua (6/7), có một sự kiện đáng quan tâm về lĩnh vực chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Đó là Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.
Phải ghi nhận rằng: TTATGT có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Dù có nhiều nỗ lực nhưng một số người tham gia giao thông chưa hình thành ý thức và văn hóa giao thông. Quan sát ở các điểm giao cắt ngã tư, ngã năm... ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, sẽ nhận thấy vẫn còn một số người không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; hết giờ cao điểm, vắng bóng cảnh sát giao thông, là vượt đèn đỏ, phớt lờ luật lệ giao thông.
Từng có một số lúc một số nơi, khi phát động phong trào là trống giong cờ mở, rồi ít ngày sau công tác bảo đảm TTATGT bị buông lỏng ngay. Có nhiều nguyên nhân, từ đầu tư hạ tầng không theo kịp yêu cầu, tổ chức quản lý giao thông chưa tốt; nhưng đáng lo nhất vẫn là ý thức, nên tai nạn giao thông giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Chỉ thị 23 có nhiều điểm mới, nhiều mặt tích cực. Ví dụ nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm. Trước đây, một số người tham gia giao thông khi có vi phạm, thường mở điện thoại ra nhờ “giải cứu”, thậm chí “dọa” cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ. Nhưng nay đã khác, CSGT sau khi có “hành lang” an toàn và yêu cầu nghiêm ngặt, đã không còn và không thể “xuê xoa”. Điều này kỳ vọng thực sự tạo ra sự chuyển biến. Muốn “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” đòi hỏi phải nâng mức phạt, và “luật bất vị thân”.
Trước đây, ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương có Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong lĩnh vực chấp hành luật pháp về ATGT, dứt
khoát cán bộ, đảng viên và gia đình họ cũng phải nêu gương. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tiếp tục yêu cầu, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao, phải càng gương mẫu. So với người dân, cán bộ, đảng viên sai phạm cần phải xử lý nghiêm khắc hơn, phạt nặng hơn, để làm gương.