Trách nhiệm của người nổi tiếng

Người tiêu dùng còn chưa hết bàng hoàng về vụ việc 2 doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả với quy mô gần 500 tỷ đồng vừa bị triệt phá thì lại tiếp tục câu chuyện của các nghệ sĩ nổi tiếng, biên tập viên, MC tham gia quảng cáo sữa giả. Nhiều người cảm thấy thất vọng, bất an khi thần tượng – những người họ tin tưởng lại góp phần tiếp tay quảng bá cho sản phẩm không đảm bảo...

Một số nghệ sĩ, biên tập viên đã nhanh chóng đăng bài xin lỗi trên mạng xã hội vì đã để xảy ra sự việc khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng. Và khẳng định, không biết sản phẩm là giả và chỉ nhận lời quảng bá dựa vào uy tín của nhãn hàng và hợp đồng từ công ty quản lý. Cũng lại có người thanh minh rằng bản thân không có khả năng giám sát quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm sau đó, và không thể chịu trách nhiệm cho các thay đổi (nếu có) xảy ra sau thời điểm quay quảng cáo.

Thực ra, việc một số người nổi tiếng thanh minh rằng họ không biết sản phẩm là giả và chỉ nhận quảng bá dựa trên uy tín của nhãn hàng hoặc hợp đồng từ công ty quản lý; không có khả năng giám sát... nghe có phần hợp lý, nhưng nói không có trách nhiệm là không đúng. Bởi khi đã là người nổi tiếng, từng hành động, lời nói đều có sức ảnh hưởng rộng rãi, nên trách nhiệm đi kèm là điều tất yếu.

Ngoài ra, họ nêu lý do “không biết” nên không có tội về mặt cảm tính là đúng, nhưng không đủ để khẳng định rằng họ không có trách nhiệm, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra hậu quả tiêu cực. Bởi rõ ràng họ nhận tiền để quảng cáo sản phẩm, và trách nhiệm của họ là làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng, mua về sử dụng. Ở nhiều nước trên thế giới, người quảng bá sản phẩm có thể bị liên đới trách nhiệm nếu quảng cáo sai sự thật, hoặc tiếp tay cho hàng giả/hàng kém chất lượng.

Còn việc người nổi tiếng nói rằng họ không có chuyên môn để đánh giá chất lượng hay kiểm tra thật-giả của sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa… là đúng, nhưng nó họ vô can thì không đúng. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nghệ sĩ, người nổi tiếng khi nhận quảng cáo sản phẩm hoàn toàn có thể thực hiện một số bước tối thiểu: Dùng thử, tra cứu thông tin, yêu cầu chứng từ pháp lý… Nếu không thực hiện các bước đó, chỉ “nhận tiền là quảng” thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm.

Thực ra, đã là người của công chúng, người có uy tín trong xã hội, được xã hội tin tưởng, yêu mến thì tên tuổi của nghệ sĩ, người nổi tiếng thường gắn với niềm tin của xã hội. Họ xuất hiện ở đâu, nói điều gì, về cơ bản rất dễ được xã hội tiếp nhận hơn. Vì thế, họ càng phải ý thức rằng khi phát biểu hay giới thiệu, quảng bá, chia sẻ về điều gì đều phải gắn trách nhiệm cá nhân của mình vào đó, và việc ấy phải phục vụ lợi ích cộng đồng, xã hội.

Có thể nói, là người của công chúng, bên cạnh quyền tự do biểu đạt, người nổi tiếng còn phải thực hiện trách nhiệm xã hội, giống như một “người truyền thông đặc biệt”. Mọi thông tin của họ chia sẻ trước truyền thông cần phải được kiểm chứng cẩn trọng, không thể cứ nói rằng “không biết” là không có trách nhiệm.

Ông Lê Hải Bình - Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dự kiến trong nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ có sự điều chỉnh chi tiết hơn với người nổi tiếng theo hướng tăng thêm chế tài xử phạt. Theo đó, nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm không cho quảng cáo, hạn chế hoạt động quảng cáo, thậm chí hạn chế hoạt động nghệ thuật, hạn chế xuất hiện trên mạng xã hội.

V.Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trach-nhiem-cua-nguoi-noi-tieng-10303948.html
Zalo