Trà Vinh tăng trưởng kinh tế đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long
Năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh Trà Vinh ước đạt 10,04%, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy Trà Vinh. Đây là năm Trà Vinh có mức tăng trưởng cao nhất, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhiều chỉ tiêu kinh tế xuất sắc đạt và vượt kế hoạch đề ra
Nghị quyết của Tỉnh ủy Trà Vinh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2024 đạt 8,5%. Kết quả, tỉnh Trà Vinh “về đích” với mức tăng trưởng ước đạt 10,04%, vượt chỉ tiêu, đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ 8 trên cả nước. Trong đó, nổi bật là thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá; 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Về 6 nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã tập trung thực hiện các nội dung được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ đạo đẩy nhanh các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn; hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công thực hiện Dự án Hạ tầng Hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé (giai đoạn I); bàn giao xong mặt bằng để thi công cầu Đại Ngãi.
Tỉnh Trà Vinh quyết tâm tinh gọn bộ máy, xây dựng nền hành chính kiến tạo phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang công nghiệp, thương mại dịch vụ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình số 34-CTr/TU ngày 23/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung thực hiện Đề án Phát triển kinh tế biển, kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.
- Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh các dự án đầu tư để phát triển kinh tế biển, trọng tâm là các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư thêm một số hạng mục giao thông hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Định An; tiếp tục triển khai 4 dự án điện gió; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án điện gió theo Quy hoạch Điện VIII; tiếp tục phối hợp hỗ trợ dự án hydro xanh, các dự án kho xăng dầu (Long Đức, Tân Sơn); hoàn thiện hồ sơ tuyến đường hành lang ven biển, cầu Cổ Chiên 2 và một số dự án giao thông quan trọng khác...
Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực, nhân rộng một số mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường. Diện tích vườn dừa và vườn cây ăn trái tiếp tục được đầu tư trồng mới, cải tạo theo hướng tập trung, chuyên canh. Trà Vinh đã hoàn thành hồ sơ, trình Trung ương xét, công nhận tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Thời gian qua, Trà Vinh tích cực triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp từng bước được nâng cao.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp để nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index). Kết quả, PCI, SIPAS, PAR Index của Trà Vinh đều tăng điểm, tăng hạng so với năm trước.
PAR Index của Trà Vinh tăng 2 bậc, xếp hạng 48 trên cả nước và 7/13 trong vùng ĐBSCL. SIPAS tăng 4 bậc, xếp hạng 15 trên cả nước và đứng thứ 2 trong vùng. PCI tăng 2 bậc, xếp hạng 24 trên cả nước và đứng thứ 7 trong vùng, là một trong 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Riêng PGI xếp vị trí thứ 13/63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc và PAPI giảm 6 bậc, xếp hạng 54 trên cả nước và 11/13 tỉnh, thành phố trong vùng.
Đến nay, Trà Vinh đã xây dựng, bàn giao 1.300 căn nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh (do Bộ Công an hỗ trợ), góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Về kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hợp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông mang tính đột phá phát triển; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây, cụm công nghiệp Tân Ngại; đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai nhanh chính quyền điện tử, tạo động lực thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tỉnh cũng tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính; tập trung rà soát, thống kê đấu giá quyền sử dụng đất đúng quy định để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Vế kết quả thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, tổng kế hoạch vốn năm 2024 (vốn đầu tư công) thực hiện 3 chương trình là 236,986 tỷ đồng, ước đến 31/1/2025 sẽ giải ngân đạt 98% kế hoạch.
Đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị
Năm 2024, Trà Vinh đã tổ chức đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình nhằm kết nối mời gọi xúc tiến đầu tư; tham dự các hội nghị liên kết phát triển vùng. Các sở, ngành đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động liên kết vùng theo từng lĩnh vực, như liên kết xúc tiến mời gọi đầu tư, thực hiện quy hoạch có tính liên kết vùng, tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa, liên kết sàn thương mại điện tử, bình ổn thị trường; quan tâm hợp tác, xây dựng các công trình mang tính liên kết vùng, liên vùng...
Về phát triển đô thị, tỉnh đã triển khai Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quan tâm phát triển và quản lý tốt quy hoạch, kiến trúc nhà ở đô thị, bảo đảm mỹ quan. Tỉnh cũng tập trung đầu tư hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí xây dựng TP. Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần mở rộng, Cầu Ngang, Càng Long; hoàn thành điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị, thành lập các phường, thị xã.
Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thẩm định, công nhận thị xã Duyên Hải đạt tiêu chí đô thị loại IV; quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng chỉnh trang đô thị. Tính đến cuối năm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33% (vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy). Toàn tỉnh có 13 đô thị, gồm 1 thành phố loại II, 2 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V; tổng diện tích đô thị là 369,95 km2, chiếm 15,47% diện tích toàn tỉnh.
Về phát triển KKT, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 3 KCN, trong đó KCN Long Đức đã lấp đầy 100%; tiếp tục triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao nhà đầu tư thuê đất thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cổ Chiên; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư KCN Cầu Quan; hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến số 05 - KKT Định An, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Định An đến năm 2040. Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thuốc tân dược tại Tân Ngại.
Tỉnh đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 100% quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định; hoàn thành lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch đã cho chủ trương.
Hướng đến nền kinh tế năng động, chất lượng và hiệu quả cao
Năm 2025, Trà Vinh đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Trong đó, GRDP đạt 7 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 101 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm trong GRDP đạt 73,91%. Phấn đấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 32.000 tỷ đồng; phát triển mới 520 doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67%; tạo việc làm tăng thêm cho 23.000 lao động; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95,1%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,15%…
Trà Vinh phấn đấu quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) đạt 103.523 tỷ đồng, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30,9% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 14.971 tỷ đồng và tổng chi ngân sách địa phương là 13.288 tỷ đồng.
Nhằm hướng đến nền kinh tế năng động, chất lượng và hiệu quả cao, tập trung cải thiện chất lượng điều hành, môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình của đơn vị, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2025. Đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm.
Trà Vinh tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển, phát huy và khai thác tốt các dư địa, nhất là về thủy sản. Công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều thuận lợi để phát triển. Các dự án điện gió còn lại sớm hoàn thành đưa vào vận hành sẽ đóng góp tích cực cho tỉnh. Việc tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL, Quy hoạch tỉnh và đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình chào mừng Đại hội Đảng, cầu Đại Ngãi... sẽ tạo sức hút lớn cho nền kinh tế. Văn hóa - xã hội tiếp tục ổn định; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo tiền đề thu hút đầu tư.