Trà Vinh: Sản phẩm dừa sáp hút hàng, khó đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp Festival

Trong dịp Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh, ngoài dừa sáp, các sản phẩm chế biến từ dừa sáp như kẹo, mứt, bánh… cũng rất hút hàng, với hàng chục tấn các loại được cung cấp ra thị trường.

Phần dự thi của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). (Ảnh: TTXVN phát)

Phần dự thi của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). (Ảnh: TTXVN phát)

Dịp Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 (từ ngày 25-31/8/2024), dừa sáp Trà Vinh và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp rất hút hàng, dự kiến từ nay đến ngày cuối lễ hội, nguồn hàng dừa sáp khó đáp ứng đủ nhu cầu du khách.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cầu Kè cho biết 5 ngày qua, huyện Cầu Kè đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 4.500 trái dừa sáp với giá dao động từ 120.000-180.000 tùy loại; hơn 500 cây giống dừa sáp; trong đó, 195 dừa giống sáp cấy phôi có giá từ 900.000-1.200.000 đồng/cây, số còn lại là dừa sáp giống truyền thống giá từ 60.000-70.000 đồng/cây.

Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ dừa sáp như kẹo, mứt, bánh… cũng rất hút hàng, với hàng chục tấn các loại được cung cấp ra thị trường.

Tuy hút hàng nhưng do sự quản lý chặt từ ngành chức năng địa phương, giá dừa sáp chỉ tăng khoảng 10-20% so với giá ngày thường.

Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân (huyện Cầu Kè) có 43 thành viên sản xuất trên diện tích 32ha; trong đó, có hơn 25 ha sản xuất theo chuẩn VietGAP.

Dừa sáp của hợp tác xã được chứng nhận OCOP 4 sao; hàng năm hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, nhà vườn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 2 triệu quả dừa sáp.

Bà Phó Thục Hân, Phó Giám đốc Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân cho biết để chuẩn bị nguồn cung dừa sáp cho thị trường dịp lễ hội này, hợp tác đã liên kết với các hộ trồng dừa sáp địa phương để đặt mua với số lượng lớn.

Năm ngày qua, doanh thu của hợp tác xã từ bán dừa sáp và mứt dừa sáp cao gấp 10 lần so với dịp lễ năm trước với trên 200 quả dừa sáp bán ra thị trường, giá dao động từ 120.000-180.000 đồng/trái tùy loại.

Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) cho biết dịp lễ hội năm nay, Công ty cung cấp cho thị trường 9/9 dòng sản phẩm với khoảng 40 mã loại. Sản phẩm được khách hàng ưa chuộng nhất là kẹo dừa sáp và dừa sáp sấy.

Mười ngày qua, Công ty đã cung ứng cho thị trường trên 10 tấn sản phẩm, với doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng, cao gấp 3 lần doanh thu bình quân mỗi tháng, và cao gấp 3 lần so với dịp lễ hội cùng kỳ năm trước.

Cũng trong dịp lễ hội này, công ty đã có 3 chuyến xuất khẩu gần 1.000 thùng kẹo dừa sáp, dừa sáp sấy và sữa chua dừa sáp (hơn 1,2 tấn) sang thị trường Mỹ.

Vicosap hiện là đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Sản phẩm “dừa sáp sợi” của Vicosap đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao), 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa sáp trên 1.277ha, với khoảng 250.000 cây. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng dừa sáp nhiều nhất tỉnh, với hơn 171.400 cây dừa sáp, được trồng trên diện tích 1.145ha, cho sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả.

Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.

Dừa sáp Cầu Kè đã được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam) từ tháng 8/2012.

Mới đây, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam,” Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “Quả dừa sáp.”

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế đó, Trà Vinh đã tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản của tỉnh, qua đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp.

Sự kiện gắn với Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè là cơ hội để tỉnh giới thiệu tín ngưỡng thờ ông Bổn của cộng đồng người Hoa ở địa phương.

Đây là lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tra-vinh-san-pham-dua-sap-hut-hang-kho-dap-ung-du-nhu-cau-trong-dip-festival-post973491.vnp
Zalo