Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Trọng Hưng chia sẻ về một số nội dung sau qua Tham luận 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Trà Vinh (cũ)'.

 Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer tại Trà Vinh

Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer tại Trà Vinh

PV: Thưa Thạc sĩ, ông có thể chia sẻ thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở tỉnh Trà Vinh, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long - đặc biệt trong cộng đồng người Khmer - hiện nay như thế nào?

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại tỉnh Trà Vinh (cũ), đặc biệt trong cộng đồng người Khmer, vẫn đang hiện hữu và để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với cả cá nhân và cộng đồng.

Các hình thức hôn nhân không phù hợp độ tuổi này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản, quyền lợi và triển vọng phát triển của trẻ em gái, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, hạn chế nguồn nhân lực và cản trở tiến trình phát triển bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này thường bắt nguồn từ những tập quán lạc hậu còn tồn tại dai dẳng, trình độ học vấn hạn chế, và điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, trẻ em gái thường thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, dẫn đến việc các em bị ép buộc hoặc chịu áp lực phải kết hôn sớm như một giải pháp an toàn về kinh tế - xã hội trong nhận thức của gia đình và cộng đồng.

PV: Nghiên cứu của ông đã chỉ ra một số chương trình và mô hình can thiệp ở Trà Vinh. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả nổi bật đã đạt được trong thời gian qua?

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng: Nghiên cứu đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai Tiểu dự án 9.2 và Đề án 498 tại tỉnh Trà Vinh, thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể và thiết thực.

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng

Thứ nhất, hoạt động truyền thông bằng tiếng Khmer đã được tổ chức tại bốn huyện trọng điểm, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Khmer, về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thứ hai, 15 hội nghị truyền thông chuyên đề đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu, bao gồm học sinh các trường dân tộc nội trú, người có uy tín trong cộng đồng và đại diện các ban nhân dân ấp, qua đó lan tỏa thông tin quan trọng đến các nhóm đối tượng mục tiêu.

Thứ ba, công tác tập huấn, đào tạo tuyên truyền viên pháp luật đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương, giúp họ tiếp cận và truyền đạt nội dung pháp lý một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm văn hóa – xã hội của từng cộng đồng.

Thứ tư, hoạt động tư vấn và can thiệp cộng đồng được lồng ghép linh hoạt trong các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục pháp luật và truyền thông song ngữ Việt – Khmer, từ đó giúp tăng cường hiệu quả truyền thông và thay đổi hành vi.

Thứ năm, tỉnh đã thành lập 34 câu lạc bộ và đội tuyên truyền viên, đồng thời duy trì ổn định 4 mô hình điểm tại các xã có tỷ lệ tảo hôn cao, tạo nền tảng vững chắc cho công tác can thiệp lâu dài.

Thứ sáu, số lượng người tiếp cận thông tin truyền thông đã tăng đáng kể từ 962 người (năm 2021) lên 2.310 người (năm 2024), phản ánh rõ rệt sự mở rộng phạm vi tiếp cận và hiệu quả lan tỏa của chương trình trong cộng đồng.

PV: Trong quá trình triển khai, đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất mà địa phương và các cán bộ dự án đang gặp phải, thưa ông?

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng: Một số thách thức nổi bật đang ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các chương trình can thiệp tại Trà Vinh bao gồm:

Thứ nhất, hệ thống tài liệu truyền thông hiện hành còn hạn chế về số lượng và nội dung, chưa được thiết kế phù hợp với đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ và trình độ nhận thức đặc thù của các nhóm dân tộc thiểu số.

Thứ hai, sự thiếu vắng các sản phẩm truyền thông trực quan và sinh động như tài liệu song ngữ, phim phóng sự, hoặc nội dung số làm giảm sức hấp dẫn và mức độ tiếp cận trong cộng đồng.

Thứ ba, tình trạng một số cán bộ địa phương chưa tham gia đầy đủ các lớp tập huấn theo kế hoạch đã làm suy giảm chất lượng truyền đạt và tính đồng bộ trong triển khai các mô hình can thiệp.

Thứ tư, việc phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương, trong đó năm 2024 Đề án 498 không được phân bổ kinh phí, đã tác động tiêu cực đến tiến độ và tính liên tục của chương trình.

PV: Cuối cùng, ông có thể đề xuất một số giải pháp then chốt để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại Trà Vinh?

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng: Để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại tỉnh Trà Vinh, các giải pháp then chốt được đề xuất bao gồm:

Một là, cần thiết phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai các chương trình can thiệp.

Hai là, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh thông qua việc kết hợp linh hoạt giữa các hình thức trực tiếp và gián tiếp; đồng thời, chú trọng biên soạn tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm văn hóa và trình độ nhận thức của từng nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao hiệu quả truyền tải thông điệp.

Ba là, cần thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh đang theo học tại các trường dân tộc nội trú, nhằm phát hiện sớm các nguy cơ và triển khai biện pháp can thiệp kịp thời.

Bốn là, việc duy trì và nhân rộng các mô hình điểm đã đạt hiệu quả thực tiễn cần được tiếp tục thực hiện, trong đó chú trọng lồng ghép hoạt động tuyên truyền với các chương trình giáo dục pháp luật, giao lưu văn hóa và tư vấn cộng đồng, phù hợp với bối cảnh văn hóa – xã hội từng địa phương.

Năm là, việc phát huy vai trò của các cá nhân có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo và cán bộ người Khmer là yếu tố then chốt nhằm lan tỏa nhận thức tích cực và thúc đẩy thay đổi hành vi trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Sáu là, cần có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp triển khai thiếu hiệu quả, đảm bảo tính nghiêm minh và nhất quán trong toàn bộ quá trình thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

Trường Lê (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tra-vinh-giam-thieu-nan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-20250703123731309.htm
Zalo