Trà Nhiêu 'thức giấc' nhờ du lịch cộng đồng
Được định hướng phát triển thành làng du lịch sinh thái cộng đồng từ hơn 15 năm trước, Trà Nhiêu đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển mình và nay bắt đầu gặt 'quả ngọt'. Nơi đây ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước nhờ vẻ đẹp thiên nhiên mộc mạc cùng sự hiền hòa, chân chất của người dân địa phương.
Ngôi làng từng "ngủ quên" bên ngã ba sông
Vùng đất Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từ lâu đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân địa phương và du khách. Nơi đây gợi nhớ đến âm thanh quen thuộc của bài chòi, hò khoan, nét nguyên sơ của rừng dừa xanh mát, và hình ảnh bình dị của một làng quê ven sông. Người dân Trà Nhiêu chủ yếu sống bằng nghề nông, một bộ phận khác làm nghề lưới sông, đánh bắt ven biển.
Dưới thời dinh trấn Thanh Chiêm, Trà Nhiêu từng có vị trí quan trọng, ra đời trước cả thương cảng Faifo (Hội An) và là một phần trong mạng lưới giao thương quốc tế. Từ thế kỷ 16, khi vị trí cảng biển được thay đổi, Trà Nhiêu dần lui vào "hậu trường lịch sử". Dấu vết của một làng giao thương sầm uất ngày nào cũng dần mai một.

Du khách quốc tế đi thuyền thúng, khám phá rừng dừa nước ở Trà Nhiêu. Ảnh: Tiêu Dao
Ngày nay, Trà Nhiêu vẫn giữ được những đặc trưng của một ngôi làng vùng cửa sông – cửa biển, trở thành điểm đến thu hút nhờ cảnh quan thiên nhiên mộc mạc và giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ.
Trà Nhiêu lưu giữ đậm nét văn hóa thuần Việt, với phong cảnh làng quê yên bình và không gian sống xanh, thoáng đãng. Những con đường làng nhỏ uốn lượn giữa các khu vườn rợp bóng cây, hai bên là hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng. Rừng dừa nước xanh ngát ôm trọn nhiều lối ngõ, nhà nào cũng phủ đầy bóng cau – tạo nên một khung cảnh hài hòa đặc trưng vùng sông nước.
Trà Nhiêu không chỉ có cảnh đẹp mà còn hấp dẫn bởi nhịp sống nghề truyền thống. Hình ảnh những bàn tay thoăn thoắt trên khung dệt chiếu, bên cạnh những tấm chiếu nhiều màu sắc, đã trở thành biểu tượng đặc trưng của làng. Nghề dệt chiếu nơi đây nổi danh một thời vẫn được duy trì đến nay, với quy trình hoàn toàn thủ công, từ khâu trồng, thu hoạch cây lát đến việc che, phơi, nhuộm và dệt chiếu.
Những chiếc chiếu sặc sỡ, tinh xảo là kết quả từ bàn tay tài hoa của những người phụ nữ – được ví như "họa sĩ nông dân".

Trà Nhiêu nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Ảnh: Tiêu Dao
Cùng với đó, nghề đan lưới – một nghề truyền thống của cư dân ven biển – cũng được gìn giữ. Những tấm lưới dài như dải lụa được dệt nên bởi đôi tay người vợ, người mẹ, phục vụ cho chuyến ra khơi của chồng, cha trong gia đình.
Hơn 50% người dân trong làng sống bằng nghề biển. Sau mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, họ trở về làng, tiếp tục công việc phơi lác, trồng đay, đan lưới, góp phần giữ gìn nét sinh hoạt truyền thống. Dọc con đường ven sông, không khí lao động luôn nhộn nhịp nhưng vẫn mang vẻ thanh bình.
Trà Nhiêu không xa Hội An, không tách biệt, không đò giang cách trở. Cảnh vật nơi đây vẫn giữ được nét yên bình của một làng quê ven sông. Có thời điểm, Trà Nhiêu gần như “ngủ quên” giữa những chuyển động phát triển của vùng đất Quảng Nam.
Trà Nhiêu “thức giấc” nhờ du lịch cộng đồng

Du khách trải nghiệm dệt chiếu của nghệ nhân ở Trà Nhiêu. Ảnh: Tiêu Dao
Bước ngoặt đến vào tháng 7-2010, khi Trà Nhiêu chính thức ra mắt mô hình làng du lịch sinh thái cộng đồng. Từ đó, bộ mặt làng bắt đầu đổi thay. Khoảng 80 hộ dân được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn về làm du lịch.
Người làng sau đó cùng nhau thành lập các nhóm nghề thủ công, tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để phục vụ khách tham quan – từ dệt chiếu, đan lưới đến đi thuyền, tham quan rừng dừa, nấu ăn cùng người bản địa.
Những ngày tháng 5, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu trở nên nhộn nhịp khi đón lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Đường làng được chỉnh trang thông thoáng, sạch đẹp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bắt đầu nâng cấp để thu hút khách. Nhiều phương tiện như ghe, thuyền, thúng chai được sửa chữa, sơn mới phục vụ đưa đón khách tham quan rừng dừa nước, trải nghiệm thả lưới bắt cá trên sông.

Du lịch đã góp phần cải thiện đời sống người dân theo chiều hướng tích cực. Ảnh: Tiêu Dao
Du lịch đã góp phần cải thiện đời sống người dân theo chiều hướng tích cực trong những năm gần đây. Nhiều du khách thích thú khi được hóa thân thành người địa phương để cất vó, bắt cá, đan lưới, hay làm nông dân trồng đay, chặt dừa, trồng rau. Bên cạnh đó, làng chiếu Bàn Thạch cũng là điểm đến không thể bỏ qua.
Không chỉ mang lại doanh thu cho các cơ sở du lịch, ngành này còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Rừng dừa nước tại Trà Nhiêu xanh mướt, trải rộng và len lỏi khắp các nhánh sông, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, phù hợp để phát triển loại hình du lịch sông nước.
Bà Nguyễn Thị Chiểu (sinh năm 1962, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh), cho biết “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, tôi có thêm nhiều cơ hội đón khách. Nhờ vào đội chèo thúng chở khách trải nghiệm rừng dừa và bủa lưới, thu nhập ổn định hơn. Có khách đến, người dân rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống".

Khách quốc tế trải nghiệm vá lưới. Ảnh: Tiêu Dao
Làng Trà Nhiêu cũng để lại ấn tượng với du khách bởi không gian yên bình, đậm chất làng quê Việt. Nhiều gia đình sẵn lòng mở cửa đón khách. Nghệ nhân Trần Văn Hùng, người kết nối và quảng bá hình ảnh Trà Nhiêu, cho biết ông đã chủ động tiếp cận các hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để thu hút du khách. Nhờ đó, lượng khách đến ngày một tăng. Người dân làm du lịch tích cực cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách.
Ông Hùng cũng xây dựng một điểm dừng chân được thiết kế từ tre, trúc và dừa nước bản địa, phục vụ các món ăn đặc sản như mì Quảng, cơm gà, bánh cuốn. Ngoài ra, ông còn chế tác và bán các sản phẩm lưu niệm thân thiện với môi trường như đèn ngủ, đèn lồng, bàn ghế bằng tre.
Các loại hình dịch vụ tại Trà Nhiêu ngày càng đa dạng, từ lưu trú homestay, tour khám phá sông nước, đến làng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt chiếu, đan lát. Khi Trà Nhiêu trở thành làng du lịch sinh thái cộng đồng, ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường của người dân được nâng cao.

Làng Trà Nhiêu cũng để lại ấn tượng với du khách bởi không gian yên bình, đậm chất làng quê Việt. Ảnh: Tiêu Dao
Từ chỗ bỡ ngỡ, nhiều hộ dân đã dần thích nghi với sự hiện diện của du khách quốc tế trong sinh hoạt hàng ngày. Du lịch không chỉ mang lại thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cho biết nhiều hộ dân trước đây gặp khó khăn nay đã cải thiện được đời sống nhờ làm du lịch. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân như tập huấn kỹ năng phục vụ khách, tổ chức tham quan học tập mô hình ở các địa phương khác. Các mô hình du lịch cộng đồng không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, mà còn gắn kết giữa du lịch và văn hóa địa phương.