Trả lại sự trong lành cho một dòng sông - Kỳ 3: Khơi thông những dòng sông
Hàng nghìn hộ dân các xã phía tây TP. Nha Trang đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc ngập lụt, ô nhiễm môi trường sông Quán Trường gây ra. Những hệ lụy này đã được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng nhận thấy, tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ, trong đó có những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Dự án thoát lũ chưa phát huy hết hiệu quả
Nhận thấy những bất cập về môi trường trên sông Quán Trường, năm 2006, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường giai đoạn 1. Năm 2010, dự án này được khởi công xây dựng. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng phê duyệt Dự án Hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc. Mục tiêu của 2 dự án là đảm bảo thoát lũ cho 2 dòng sông, bảo vệ an toàn vùng đô thị mới được quy hoạch từ cầu Dứa đến cầu Bình Tân nằm 2 bên bờ sông Tắc và sông Quán Trường với tổng diện tích gần 2.000ha; đồng thời giải quyết ô nhiễm vùng ngập phía tây TP. Nha Trang, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố về phía tây, hình thành các khu đô thị, khu dân cư và trung tâm du lịch.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 593 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Nạo vét sông Quán Trường với chiều dài hơn 6,3km; xây dựng đê và kè bờ tả sông Quán Trường có chiều dài 6,2km; xây dựng đê và kè bờ hữu sông Quán Trường dài 5,2km; xây dựng cống tiêu dưới đê tả và đê hữu; nạo vét sông Tắc chiều dài hơn 5,4km; xây dựng đê và kè tả sông Tắc dài hơn 5km; xây dựng các cống tiêu dưới đê tả sông Tắc… Dự án Hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc có tổng chiều dài hơn 3,4km, với tổng mức đầu tư hơn 485 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xây tuyến đê bao và kè đá bờ tả dài hơn 3,5km; xây 5 cống tiêu bờ tả, 7 cống tiêu bờ hữu; 1 cầu thoát lũ, 1 tràn xi phông, tràn kết hợp cống...
Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, gần 10 năm nay, sông Quán Trường đoạn từ cầu Dứa lên đến sông Tắc bị tình trạng nước tù đọng, bèo sinh sôi dày đặc, rác thải tích tụ gây ô nhiễm trầm trọng. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, các hộ dân sống dọc 2 bên sông đều có ý kiến phản ánh, đề nghị có giải pháp sớm khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm môi trường. Đoạn sông này trước đây lưu thông bình thường, nhưng từ khi Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường giai đoạn 1 triển khai để làm kè sông Tắc khiến đoạn kết nối từ sông Quán Trường ra sông Tắc bị bịt mất dòng chảy. Đơn vị thi công có làm một hộp cống lớn nhưng bị lệch so với dòng chảy của sông Quán Trường nên không có tác dụng lưu thông nước.
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2019; Dự án Hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc đưa vào khai thác từ năm 2020. Hai công trình đã góp phần giải quyết một phần việc khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ. Tuy nhiên, ngoài 2 đoạn tuyến đã được đầu tư nạo vét, vẫn còn nhiều vị trí trên sông Quán Trường đang bị thu hẹp, bồi lấp, cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ nên chưa phát huy hết hiệu quả của 2 dự án này.
Khơi thông cho những dòng sông
Để giải quyết được bài toán thoát lũ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cho các xã phía tây TP. Nha Trang, tỉnh cần xem xét bố trí vốn đầu tư đồng bộ các hệ thống kênh thoát lũ theo quy hoạch chung thành phố được duyệt. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 8-12-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc, giai đoạn 2. Theo đó, dự án được đầu tư sẽ hoàn thiện hệ thống thoát lũ trong khu vực, hạn chế ô nhiễm, ngập lụt, hình thành các khu đô thị, khu dân cư; đồng thời chống xói lở và tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp dọc theo 2 bờ sông. Dự án sẽ nạo vét khơi thông dòng chảy thoát lũ từ cầu sông Tắc đến cầu Bình Tân; xây dựng tuyến đê kè bảo vệ mái bờ sông và hành lang quản lý dọc kè (bờ hữu); xây dựng hệ thống cống thoát nước và các công trình phụ trợ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, địa điểm xây dựng tại xã Vĩnh Thái và xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027. Ông Quách Thanh Sơn cho biết, ban đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
Ngoài sông Tắc và sông Quán Trường, trong khu vực phía tây TP. Nha Trang còn nhiều tuyến kênh cũng chưa được nạo vét, khớp nối để bảo đảm thoát lũ, như: Kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung - sông Tắc, sông Kim Bồng, sông Bà Vệ, sông Đồng Đen, sông Đồng Bò... UBND TP. Nha Trang tính toán tổng mức đầu tư các tuyến kênh này lên đến hơn 3.100 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chỉ có thể phân kỳ đầu tư và ưu tiên trước mắt là đầu tư tuyến kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Trung bởi tuyến kênh này tiêu thoát nước chính khớp nối vào sông Tắc, sông Quán Trường, tham gia trực tiếp vào quá trình điều tiết thoát nước. Ngoài ra, đây là tuyến đi qua vùng dân cư đông đúc, là vùng có hạ tầng đô thị phát triển mạnh.
Được biết, tuyến kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Trung trước đây là một đoạn của sông Quán Trường chảy từ huyện Diên Khánh dưới chân núi Chín Khúc qua cầu Đường Sắt và cầu Bình Tân về Cửa Bé. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là từ khi xây dựng Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường và Dự án Hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc thì đoạn kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp không còn là đoạn sông Quán Trường nữa, dần bị bồi lấp làm tắc nghẽn dòng chảy. Ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, đầu tháng 8, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các tuyến kênh mương, sông tại TP. Nha Trang, trong đó có tuyến kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp. Theo tính toán sơ bộ, để thực hiện nạo vét tuyến kênh này cần khoảng 415 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu kết nối với sông Tắc, điểm cuối kết nối với sông Quán Trường với chiều dài hơn 2,2km.
Ngoài ra, hiện nay, Dự án Đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung đã được UBND tỉnh đồng ý đầu tư với tổng vốn dự kiến 1.491 tỷ đồng. Tuyến kênh thoát lũ Vĩnh Trung có điểm đầu tuyến giáp nhánh Cửa Bé sông Quán Trường trên đường Võ Nguyên Giáp; điểm cuối giáp hạ lưu sông Cái. Kênh thoát lũ sẽ được đào mới, có chiều rộng đáy kênh khoảng 30m; sâu 3,5m; tổng chiều dài 1,24km. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tuyến kênh thoát lũ Vĩnh Trung được hình thành kết nối với sông Quán Trường sẽ giảm tải lưu lượng nước từ sông Cái về sông Quán Trường, cải thiện tình hình ngập lụt không chỉ trên địa bàn xã Vĩnh Trung, góp phần hoàn thiện hệ thống thoát lũ đang được triển khai trên toàn địa bàn TP. Nha Trang. Kênh thoát lũ Vĩnh Trung sẽ đóng vai trò điều phối lũ theo 2 chiều từ sông Cái về nhánh Cửa Bé sông Quán Trường vào mùa mưa và ngược lại khi lũ lớn kéo dài, từ đó giảm thiểu tình trạng ngập lụt, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Xây dựng kịch bản chống ngập
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi đều cho rằng, để giải quyết được tình trạng ngập lụt cho các xã phía tây TP. Nha Trang cần xây dựng các kịch bản, phương án chống ngập bài bản, khoa học; trong đó phải tính toán được thủy lực tiêu thoát lũ của toàn bộ dòng sông trong khu vực. Theo Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2035 thì tiêu chuẩn phòng lũ vùng hạ lưu sông Cái Nha Trang đảm bảo với tần suất 10%, riêng đối với khu vực đô thị như TP. Nha Trang, các công trình công cộng, khi xây dựng cần có cao trình cao hơn mực nước lũ chính vụ tần suất 5% sau khi có sự tham gia cắt lũ của các công trình hồ chứa thượng nguồn (hồ Sông Chò 1, hồ Suối Dầu, hồ Sông Cầu).
Tiến sĩ Đỗ Xuân Tình - Viện phó Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung phân tích: Phía tây TP. Nha Trang vốn là vùng trũng, cao độ cốt nền thấp hơn rất nhiều so với những địa bàn trong khu vực. Trong khi đó, các công trình chống ngập tại khu vực này chưa được đầu tư đồng bộ, do đó khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về không tiêu thoát được dẫn đến ngập lụt là điều không thể tránh khỏi. Để chống lũ với tần suất 10% cần giải pháp tổng thể với mức đầu tư lớn và lâu dài đối với các dự án tiêu thoát nước. Ngay cả vào mùa nước kiệt thì phía thượng lưu các nhánh của sông Quán Trường vẫn có nước nhưng lại không thể chảy về hạ lưu đổ ra biển. Nguyên nhân là do các nhánh sông này bị bồi lấp, đặc biệt là cao trình phía hạ lưu sông Quán Trường đang cao hơn so với thượng nguồn. Vậy nên rất cần thiết phải nạo vét, chỉnh trị toàn bộ dòng sông này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất danh mục Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để thực hiện. UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có hợp phần nghiên cứu giảm thiểu ngập lụt cho TP. Nha Trang. Đây được coi là giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP. Nha Trang, đặc biệt là các xã phía tây của thành phố. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực TP. Nha Trang sẽ đầu tư xây dựng kè và nạo vét 4 tuyến sông, bao gồm: Tuyến thượng lưu sông Quán Trường dài khoảng 4,26km; nạo vét, nâng cấp tuyến kênh hiện trạng phía thượng lưu sông Tắc dài khoảng 2,15km; xây dựng tuyến kênh Diên An - sông Tắc nối từ vùng xã Diên An đến cầu Xuân Sơn dài khoảng 3,13km; xây dựng tuyến hạ lưu sông Tắc - Quán Trường nối thông sông Tắc tại vị trí cuối kênh đã được đầu tư xây dựng (giao với đường Phong Châu) sang sông Quán Trường, dài khoảng 1,3km. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực phía tây TP. Nha Trang với các tuyến truyền tải chính có đường kính lớn bằng vật liệu HDPE, tổng chiều dài mạng lưới khoảng 12,8km và 3 trạm bơm nước thải trên tuyến. Việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2035 có công suất 12.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2045 có công suất 30.000m3/ngày đêm. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, đến năm 2035 sẽ có khoảng 130.400 người được hưởng điều kiện vệ sinh cải thiện do dự án cung cấp ở khu vực tây Nha Trang, trong đó có khoảng 57.800 người được hưởng lợi trực tiếp.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, với những lý do khách quan, hiện nay dự án đang tạm dừng. Tuy nhiên, đây là những công trình quan trọng, tăng khả năng tiêu thoát nước, từng bước hồi sinh các đoạn sông, giảm tình trạng ngập nước cho vùng phía tây TP. Nha Trang nên trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau.
Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên các dòng sông, thành phố đã báo cáo đề xuất và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư 2 dự án: Kè hoàn chỉnh các đoạn còn lại trên sông Cái và Nạo vét, khơi thông các kênh mương của TP. Nha Trang. Các dự án này đã được HĐND tỉnh thông qua, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Về giải pháp trước mắt, Thành ủy và UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo khắc phục các đoạn sông bị lấn chiếm, xây dựng trái phép, đồng thời xử lý triệt để tình trạng nuôi vẹm trên sông Quán Trường để dòng sông được thông thoáng. Đặc biệt, các địa phương phải kiểm tra việc đấu nối nước thải ra các sông, đảm bảo nước thải đổ ra sông phải được xử lý.
Ông Nguyễn Đắc Tài - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh: Để giải quyết tình trạng thoát nước, chống ngập cho các xã phía tây TP. Nha Trang cần giải quyết 4 vấn đề lớn: Sớm hoàn tất các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ở khu vực này; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước mưa); xác định và triển khai các dự án ưu tiên giải quyết vấn đề ngập nước; tăng cường công tác quản lý chống lấn chiếm ranh các kênh, mương trong khu vực. Nếu 4 vấn đề này được giải quyết thì kể cả trong mùa khô hay mùa mưa, các dòng sông này sẽ thông thoáng, tiêu thoát nước tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
MẠNH HÙNG - VĂN KỲ - THÁI THỊNH
Kỳ 1: Dòng sông đang bị “bức tử”
Kỳ 2: Hệ quả từ những dòng sông “tắc”