Trả đũa Ukraine, Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa liên lục địa tấn công thành phố Dnipro

Quân đội Ukraine cáo buộc Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa tấn công thành phố Dnipro dường như trả đũa việc Ukraine trước đó phóng các tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu trên đất Nga.

Tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh" của Nga. Ảnh: NetEasy.

Tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh" của Nga. Ảnh: NetEasy.

Đòn trả đũa của Nga?

Liên tiếp trong hai ngày 19 và 20/11, Ukraine lần lượt phóng các tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh chế tạo tấn công Nga, đồng nghĩa với việc Nga có quyền đáp trả bằng vũ khí hạt nhân theo nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia răn đe hạt nhân phiên bản mới của Nga được phê chuẩn hôm 19/11.

Không quân Ukraine hôm 21/11 xác nhận quân đội Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa sang thành phố Dnipro ở tỉnh Dnipropetrovsk vào sáng sớm cùng ngày. Đây là lần đầu tiên quân đội Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sang Ukraine kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine bùng phát tháng 4/2022. Quân đội Ukraine chưa công bố mẫu tên lửa nhưng có nhiều tin cho rằng đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 "Rubezh". Điện Kremlin khi yêu cầu bình luận về tin này đã trả lời "xin hãy hỏi Bộ Quốc phòng Nga".

 Vật thể mắc trên dây điện được cho là mảnh vỡ của tên lửa RS-26 "Rubezh. Ảnh: Dongfang.

Vật thể mắc trên dây điện được cho là mảnh vỡ của tên lửa RS-26 "Rubezh. Ảnh: Dongfang.

Lực lượng Không quân Ukraine ngày 21/11 thông báo Nga đã phóng nhiều tên lửa tấn công thành phố Dnipro từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng theo giờ địa phương, trong đó có một tên lửa đạn đạo liên lục địa được phóng từ tỉnh Astrakhan ở miền nam nước Nga.

Ngoài ra, một máy bay chiến đấu MiG-31K của Nga đã phóng tên lửa đạn đạo từ trên không Kinzhal từ tỉnh Tambov và 7 tên lửa hành trình Kh-101 được phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. Không quân Ukraine đã tiến hành các hoạt động phòng không và bắn hạ 6 tên lửa hành trình Kh-101. Các tên lửa khác không bị đánh chặn nhưng không gây nên thiệt hại lớn.

Những hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy phần còn lại của một tên lửa Nga được cho là đã bị quân đội Ukraine bắn hạ mắc trên cáp điện ở thành phố Dnipro. Thông tin công khai cho thấy đây là tên lửa RS-26 "Rubezh", loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn của Nga, có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn tối đa 5.800 km, đủ sức bao phủ các thủ đô châu Âu và lực lượng NATO triển khai ở Tây Âu.

 Thông tin lan truyền trên mạng về việc Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh". Ảnh: Singtao.

Thông tin lan truyền trên mạng về việc Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh". Ảnh: Singtao.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã ký sắc lệnh phê chuẩn phiên bản mới các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia, có hiệu lực kể từ khi ký.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày hôm đó nhắc lại rằng nếu Ukraine sử dụng tên lửa phi hạt nhân của phương Tây để tấn công Nga, nước này có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân theo chính sách răn đe hạt nhân mới của nước này. Nhưng cùng ngày 19/11, Ukraine lần đầu tiên phóng tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất vào Nga, tấn công trực tiếp vào một cơ sở ở tỉnh Bryansk của Nga. Hôm 20/11, Ukraine lại lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp, tấn công trực tiếp vào tỉnh Kursk của Nga.

Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine hôm 20/11 cho biết họ đã khẩn cấp đóng cửa sứ quán và chỉ thị cho các nhân viên sơ tán tại chỗ sau khi nhận được thông tin cụ thể cho thấy một cuộc không kích lớn có thể xảy ra ở Ukraine vào ngày hôm đó. Các đại sứ quán của Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Canada ở Ukraine cũng theo chân Mỹ tuyên bố đóng cửa.

 Hình ảnh mô phỏng tên lửa RS-26 "Rubezh" đang bay. Ảnh: NetEasy.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa RS-26 "Rubezh" đang bay. Ảnh: NetEasy.

Uy lực của RS-26 "Rubezh"

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS- 26 "Rubezh" được Nga thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2011. Để lách Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, Nga tuyên bố tầm bắn của nó vượt quá 10.000 km, nhưng thế giới bên ngoài thường cho rằng sự thật đó là tên lửa tầm trung, xa có tầm bắn hơn 5.000 km, tương tự Dongfeng-26 của Trung Quốc.

Tên lửa nặng 36 tấn, được vận chuyển trên một xe phóng di động bánh hơi và có thể mang đầu đạn nặng 1,5 tấn. Nó có thể mang được đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, đồng thời có khả năng thay đổi quỹ đạo cơ động và dẫn đường giai đoạn cuối cùng. Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot do Mỹ viện trợ Ukraine không thể đánh chặn nó một cách hiệu quả.

Sự cảnh báo nghiêm khắc của Nga

Trang tin Trung Quốc NetEasy chiều 21/11 bình luận: Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm "quân đội Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công nội địa Nga", Ukraine nhanh chóng tấn công các mục tiêu ở Nga bằng 6 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã sửa đổi việc sử dụng vũ khí hạt nhân theo chính sách ăn miếng trả miếng.

Hiện tại, có vẻ như việc Nga sửa đổi chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân rõ ràng không chỉ là lời nói suông, Nga đã thực sự hành động, phóng tên lửa liên lục địa.

 Cấu tạo tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh". Ảnh: Guancha

Cấu tạo tên lửa liên lục địa RS-26 "Rubezh". Ảnh: Guancha

Đánh giá từ một số báo cáo trước đó, thế giới bên ngoài từng đồn đoán rằng đáp trả việc quân đội Ukraine phóng tên lửa ATACMS sang đất Nga, Nga sẽ đáp trả bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 "Rubezh". Có vẻ như chính phủ của ông Putin thực sự làm như những gì họ nói.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu tên lửa liên lục địa rơi xuống Ukraine, đầu đạn mà nó mang theo có thể không phải là đầu đạn hạt nhân mà là đầu đạn thông thường.

 Tên lửa liên lục địa RS-26 rời bệ phóng. Ảnh: Guancha.

Tên lửa liên lục địa RS-26 rời bệ phóng. Ảnh: Guancha.

Theo một số nhà phân tích, việc ông Putin phê chuẩn việc phóng tên lửa liên lục địa có mục đích khác. So với hiệu quả của cuộc tấn công quân sự vào các mục tiêu ở Ukraine, động thái của Nga có thể có tác động chính trị quan trọng hơn, đó là đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Mỹ và các nước phương Tây đã hỗ trợ cho Ukraine và dùng lực lượng hạt nhân hùng mạnh để nhắc nhở các nước liên quan hãy thận trọng.

Mặc dù có thể được trang bị đầu đạn thông thường nhưng tên lửa liên lục địa vẫn là phương tiện mang hạt nhân và là vũ khí hạt nhân theo khái niệm rộng, điều này cho thấy vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào.

Theo Dongfang, NetEasy

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tra-dua-ukraine-nga-lan-dau-tien-su-dung-ten-lua-lien-luc-dia-tan-cong-thanh-pho-dnipro-post180313.html
Zalo