TPS dự báo 2 kịch bản VN-Index tháng 11
Sau khi quan sát các chỉ báo kỹ thuật về EMA, MACD, RSI, nhóm phân tích TPS đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 11 này và nghiêng về kịch bản chỉ số sẽ vượt lên 1.300 điểm, bắt đầu xu thế tăng mới.
Sau 2 lần không thể phá vỡ kháng cự 1.300 điểm thành công, thị trường nhanh chóng chấm dứt xu hướng tăng điểm và tạo thành xu thế điều chỉnh trong nửa cuối tháng 10. Điều này khiến cho cây nến tuần và nến tháng của VN-Index rơi vào trạng thái tiêu cực.
Hiện tại, vùng hỗ trợ cuối cùng trước khi tìm đến vùng 1.180 điểm của VN-Index là vùng 1.240 điểm. Ở đây VN-Index cũng ghi nhận 2 lần phản ứng tích cực trong tháng 7 và tháng 9 khi thị trường có thể bật tăng trở lại khi chạm vào vùng kháng cự này. TPS kỳ vọng, VN-Index có thể kiểm nghiệm vùng hỗ trợ này thành công một lần nữa trong tháng 11 và mở ra cơ hội tăng trưởng trong quãng thời cuối năm.
Sau khi quan sát các chỉ báo kỹ thuật về EMA, MACD, RSI, nhóm phân tích đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 11 này.
Kịch bản tích cực là VN-Index vượt lên 1.300 điểm, bắt đầu xu thế tăng mới (khả năng xảy ra 60%). Kịch bản này xảy ra khi thị trường có thể tạo đáy tại vùng giá 1.240 điểm thành công, chỉ khi đó, VN-Index mới có đủ động lực để kéo được chỉ số qua ngưỡng 1.300 điểm. Kịch bản này VN-Index rất cần thanh khoản bùng nổ cùng điểm số. Vùng giá mà VN-Index có thể tìm đến là ngưỡng 1.340 điểm.
Kịch bản tiêu cực là VN-Index giảm điểm sau khi mất vùng 1.240 điểm (khả năng xảy ra 40%). Ở kịch bản này, thị trường sẽ gặp khó khăn và ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm không đủ sức để hỗ trợ cho xu hướng của thị trường thì khả năng cao xu thể giảm có thể sẽ xuất hiện, các kịch bản xấu được mở ra và kéo chỉ số VN-Index xuống vùng 1.180 điểm (tương ứng mức đáy cũ của VN-Index được tạo lập vào hồi tháng 09/2024).
Theo thống kê, tháng 11 qua từ năm 2011 cho đến nay ghi nhận 6 lần giảm điểm và 7 lần tăng điểm. Điểm đặc biệt của tháng 11 là tháng tạo đáy sau tháng 10 giảm mạnh của năm 2023 và 2022. Đây cũng là giai đoạn các chỉ báo như RSI, MACD đã ở những nền rất thấp, mở ra cơ hội phục hồi và tạo ra dư địa tăng trưởng tốt cho VN-Index.
Ở thời điểm cuối tháng 10/2024, thị trường đang ghi nhận xu hướng dao động quanh vùng giá 1.240 - 1.300 điểm, tạo nền và tìm kiếm động lực để vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. TPS kỳ vọng, lịch sử có thể được lặp lại và tháng 11 có thể là tháng tăng điểm của VN-Index, chấm dứt xu hướng tích lũy và mở ra xu hướng tăng mới cho thời điểm cuối 2024 và đầu 2025. Các ngành nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trong tháng 11 là nhóm bán lẻ và chăn nuôi.
Đối với nhóm ngành bán lẻ, trong 8 tháng đầu năm 2024, thị trường bán lẻ Việt Nam bắt đầu phục hồi với tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước, theo Vietnam Report (VNR) thống kê. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo ngành bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ các chính sách kích cầu và niềm tin thị trường phục hồi.
Trong dài hạn, KPMG dự báo Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu từ 2020 đến 2030. Tốc độ đô thị hóa, thu nhập tăng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường tiêu dùng trong quý cuối 2024.
Đối với nhóm chăn nuôi, tính đến cuối tháng 9, tổng đàn heo cả nước đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái theo Tổng cục Thống kê. Cụ thể, sản lượng lượng thịt heo tính đến cuối tháng 9 ước đạt hơn 3,83 triệu tấn. Ghi nhận trong tháng 9, giá heo hơi tại cả 3 miền tăng mạnh 4,6% tại miền Nam và hơn 6% tại miền Bắc do ảnh hưởng của bão số 3 khiến nguồn cung bị ảnh hưởng tại miền Bắc và dịch bệnh tả lợi châu Phi.
Dự kiến mức giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối 2024 và đầu 2025 do nhu cầu thịt heo tăng vào mùa Tết. Khảo sát kết quả kinh doanh các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, kết quả kinh doanh ghi nhận tích cực trong quý III/2024 nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như bão số 3 đa phần ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.