TPHCM và Đồng Nai thống nhất xây ba cây cầu kết nối hai địa phương
UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai vừa họp bàn, thống nhất triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Đồng Nai gồm cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2 nhằm tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Phà Cát Lái, kết nối giao thông giữa Đồng Nai và TPHCM, luôn trong tình trạng quá tải mỗi dịp lễ, tết. Ảnh: Minh Hoàng
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã thống nhất với TPHCM về việc xây dựng 3 cầu vượt sông Đồng Nai, gồm cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2, trong đó cầu Cát Lái là cấp thiết nhất, baochinhphu.vn đưa tin.
Đồng Nai đề nghị TPHCM bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng và chỉnh tuyến đường Nguyễn Thị Định, còn Đồng Nai sẽ lo phần mặt bằng và thủ tục để xây dựng cầu theo hình thức BOT, phấn đấu khởi công cuối năm 2025.
Hai địa phương thống nhất rà soát, cập nhật quy hoạch và nghiên cứu đầu tư cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2, dự kiến triển khai năm 2026.
Với dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Đồng Nai và Bình Dương, các đơn vị của Đồng Nai đang đẩy nhanh nghiên cứu, phấn đấu khởi công đầu năm 2026.
Riêng tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Đồng Nai đề nghị TPHCM làm chủ đầu tư, sử dụng ngân sách thành phố.
Đồng Nai đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo chung với TPHCM để xây dựng công trình trọng điểm, ban hành quy chế, kế hoạch và xác định đường găng từng dự án; đồng thời tổ chức họp giao ban hằng quí để rà soát tiến độ, xử lý kịp thời vướng mắc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương thống nhất cần đầu tư các dự án giao thông kết nối, giao Sở Xây dựng Đồng Nai phối hợp Sở Giao thông Công chánh TPHCM rà soát bến bãi, kêu gọi và chọn nhà đầu tư khai thác vận tải đường thủy.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất UBND TPHCM phối hợp triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Đồng Nai.
Dự án cầu thay phà Cát Lái nhằm kết nối giao thông giữa Đồng Nai và TPHCM, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng.
Tổng mức đầu tư khoảng 19.391 tỉ đồng, gồm 10.357 tỉ đồng vốn đầu tư công cho giải phóng mặt bằng và xây dựng đường nối; phần còn lại khoảng 9.034 tỉ đồng đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), trong đó vốn nhà nước chiếm 49%, nhà đầu tư huy động 51%.
Dự án cầu Đồng Nai 2 nhằm tăng cường kết nối hai địa phương và các chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai.
Dự án gồm 3 thành phần với phần đường từ nút giao Gò Công đến sông Đồng Nai dài 5,4km, kinh phí 1.500 tỉ đồng, được đề xuất do UBND TPHCM thực hiện.
Việc xây dựng cầu Đồng Nai 2, kinh phí 3.500 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức PPP. Phần đường từ sông Đồng Nai đến quốc lộ 51 dài 6km, kinh phí 1.400 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai.
Dự án cầu Phú Mỹ 2 nhằm hình thành trục kết nối mới giữa Đồng Nai và TPHCM, chia sẻ lưu lượng cho cầu Phú Mỹ hiện hữu, đồng thời kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành.
Dự án gồm 3 thành phần, phần đầu tư đường từ giao với đường Nguyễn Hữu Thọ đến sông Nhà Bè dài 3km, kinh phí 1.000 tỉ đồng, được đề xuất do UBND TPHCM thực hiện.
Việc xây dựng cầu Phú Mỹ 2, kinh phí 9.500 tỉ đồng, UBND TPHCM thực hiện theo hình thức PPP; việc đầu tư đường từ sông Nhà Bè đến đường 25C dài 7,2km, kinh phí 2.500 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.