TPHCM: Trường từng đóng tiền học chuyển đổi số, GV giờ vẫn không biết để làm gì?
Cách đây gần 8 tháng, giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải làm bài khảo sát, và sau đó thầy cô nào không đạt thì phải đi học về chuyển đổi số.
Trước những ồn ào xung quanh việc khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô nhớ đến Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố trước đó cũng từng khảo sát, đánh giá năng lực, kỹ năng số của cán bộ, nhân viên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Theo đó, ngày 30/8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 5470/SGDĐT-VP, về thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực, kỹ năng số của cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng thực hiện bài khảo sát là các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, với thời gian thực hiện khảo sát trực tuyến từ ngày 9/9 đến 15/9/2024 (chỉ được thực hiện bài khảo sát 1 lần duy nhất).
Địa chỉ website thực hiện bài khảo sát là tại https://chuyendoiso.hcm.edu.vn.
Trước thời gian này thì thầy cô có thời gian làm quen với hệ thống là từ ngày 4 đến ngày 8/9/2024.
Nội dung khảo sát là 50 câu hỏi trắc nghiệm về các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục, bao gồm: Kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, hạ tầng công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và đổi mới trong chuyển đổi số, nền tảng số trong trường học. Thời gian làm bài khảo sát là 50 phút.

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy trong phòng máy tính ở trường học (ảnh minh họa: V.D)
Kết quả bài khảo sát sẽ được chia làm các mức độ khác nhau: Chưa đạt yêu cầu, đạt mức độ cơ bản, đạt mức độ nâng cao.
Văn bản này cũng thể hiện rõ, nếu người thực hiện khảo sát được đánh giá là “Chưa đạt yêu cầu” thì sẽ phải đăng ký tham gia học lớp “Chuyển đổi số trong giáo dục” (phần cơ bản).
Nếu được đánh giá là “Đạt mức độ cơ bản” thì sẽ phải đăng ký tham gia học lớp “Chuyển đổi số trong giáo dục” (phần nâng cao).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên ở Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cách làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh hiện nay mà Sở đang thực hiện có hình thức giống khảo sát năng lực chuyển đổi số hồi tháng 9/2024, có nghĩa là giáo viên có thể thoải mái, tự do thực hiện bài khảo sát bất cứ thời gian nào trong ngày (miễn là trong khung thời gian quy định của Sở).
“Điều đó sẽ dẫn đến một điều rằng giáo viên có thể làm bài chung với nhau, theo nhóm, hoặc nhờ người thân, bạn bè làm hoặc cũng có người sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm hộ. Những người này thì đương nhiên có kết quả tốt, không phải đi học bồi dưỡng thêm”, giáo viên này cho hay.
Cũng theo giáo viên này, nội dung các câu hỏi trắc nghiệm có nhiều câu rất khó, nghiêng về lý thuyết với nội dung là các chính sách về chuyển đổi số nếu một giáo viên bình thường cũng khó mà đạt mức độ nâng cao.
Một giáo viên khác đang dạy cấp trung học phổ thông ở Quận Bình Tân bộc bạch với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: "Thực ra, những kiến thức về chuyển đổi số cũng có thể cần, tuy nhiên, các câu hỏi khảo sát cũng như khi đi học bồi dưỡng thêm quá hàn lâm, thiên về lý thuyết nhiều, nên cũng không thiết thực đối với giáo viên. Cái giáo viên cần biết là những cái gì thiết thực nhất đối với chuyên môn giảng dạy của thầy cô trên lớp, chứ không phải những cái này".
Cũng theo giáo viên, đây là chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho các thầy cô giáo trên địa bàn mà Sở tổ chức.
Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, các trường học cũng đều tự trang bị các vấn đề về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho thầy cô hết rồi. Vị này cho rằng những lớp học kiểu như vậy do Sở tổ chức cũng chả biết "thực chất mục đích để làm gì".
Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tại thời điểm đó, những thầy cô nào phải đăng ký học lớp “Chuyển đổi số trong giáo dục” (phần cơ bản hay phần nâng cao), thì trường phải đóng học phí là 500.000 đồng/người (chưa tính thuế) cho Trường Đại học Sài Gòn.
Nhiều hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại Quận Tân Phú, huyện Củ Chi cho biết, trường đóng học phí cho giáo viên học bồi dưỡng từ nguồn phát triển sự nghiệp.
Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục, số lượng thầy cô được đánh giá là “Chưa đạt yêu cầu” rất ít (chỉ vài người), còn số lượng thầy cô được đánh giá là “Đạt mức độ cơ bản” ở mức vài chục người.