TPHCM sẽ đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4
Theo UBND TPHCM, đường Vành đai 4 được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược về hạ tầng của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường không chỉ giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực nội đô và các tuyến hướng tâm, mà còn kết nối hiệu quả với các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo hành lang công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại.
Sáng 18-4, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề).
Tại kỳ họp, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM báo cáo các nội dung tờ trình của UBND TPHCM. Trong đó, có tờ trình về triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM.

Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo UBND TPHCM, đây là dự án công trình trọng điểm quốc gia, có sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, cần HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương việc triển khai thực hiện dự án và đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố.
Dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 200 km, đi qua TPHCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 dự kiến khoảng 120.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 55.588 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 41.090 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP) theo loại hợp đồng BOT, có sự tham gia của cả ngân sách nhà nước và vốn từ nhà đầu tư.
Theo quy hoạch, dự án được chia thành các dự án thành phần, gồm: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (DATP1) và xây dựng tuyến chính cao tốc (DATP2), triển khai trên từng địa phương có tuyến đường đi qua. TPHCM được Chính phủ giao làm cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đồng chí Dương Ngọc Hải trình bày tờ trình của UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện hồ sơ và cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2030. Vốn ngân sách TPHCM sử dụng cho dự án khoảng 11.822 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, đường Vành đai 4 được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược về hạ tầng của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường không chỉ giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực nội đô và các tuyến hướng tâm, mà còn kết nối hiệu quả với các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo hành lang công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng không gian phát triển, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang kinh tế, và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho toàn vùng.

Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cũng trình bày tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Dự án có tổng mức đầu tư là 6.285 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý 1-2026.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm hình thành trục giao thông kết nối khu trung tâm thành phố với khu đô thị mới Nam TPHCM, khu đô thị - cảng Hiệp Phước và kết nối với các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cầu đường Bình Tiên nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ trung tâm Thành phố phía quận 5, quận 6 đi qua quận 8, huyện Bình Chánh và nối trực tiếp với đường Nguyễn Văn Linh (đường Vành đai 2) và kết nối tuyến đường Vành đai 3 (đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) thông qua tuyến đường Quốc lộ 50; tuyến đường này có nhu cầu giao thông rất lớn.
Việc sớm đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân trong khu vực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.