TPHCM qua mỹ cảm nhiếp ảnh và hội họa
Từ góc phố, con đường, hay những công trình hạ tầng công cộng đang dần hoàn thiện…, nhịp sống sôi động và hối hả ở TPHCM mang đủ đường nét hiện đại và sâu lắng. Tất cả những giá trị văn hóa, tinh thần ấy đã được thể hiện qua góc nhìn mỹ cảm của nhiếp ảnh và hội họa.
Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh
Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, mỗi con đường, góc phố dù đã quá quen thuộc, nhưng NSNA Ngô Thị Thu Ba vẫn miệt mài, chăm chút ghi lại từng khoảnh khắc dung dị nơi đây.
Những hình ảnh thật xúc động như: lễ cưới tập thể, chuyến xe mùa xuân, nhà may mắn, hạt gạo chia đôi...; hay hình ảnh về các công trình hiện đại, hạ tầng phát triển như: hầm vượt sông Sài Gòn, Metro; các di tích đang được bảo tồn như: chợ Bến Thành, cột cờ Thủ Ngữ, Bưu điện thành phố…, được NSNA Thu Ba cùng các tác giả khác thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hải Âu (thuộc Hội Nhiếp ảnh TPHCM) thể hiện trọn vẹn qua sách ảnh Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh TPHCM hiện đại do NSNA Ngô Thị Thu Ba thực hiện
NSNA Thu Ba chia sẻ: “Chính niềm tự hào và xúc động về thành phố quê tôi, nên tôi chọn lấy tên bộ sách ảnh là Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh. Từng góc phố, từng nụ cười, từng ánh mắt nơi đây đều mang một câu chuyện, và tôi thấy hạnh phúc khi có thể dùng nhiếp ảnh để kể lại những câu chuyện đó, một cách chân thật và đầy cảm xúc. Tôi tin rằng, khi mình nhìn mọi thứ bằng sự rung cảm và yêu thương, thì kể cả những điều bình dị nhất cũng trở nên đặc biệt và có hồn trong khung hình”.
Trong quá trình sáng tác, NSNA Thu Ba luôn tìm góc nhìn mới cho những điều đã quá quen thuộc. Nữ nhiếp ảnh thường sử dụng ánh sáng tự nhiên trong những thời điểm đặc biệt như sáng sớm hoặc hoàng hôn để tạo nên chiều sâu hay kỹ thuật phơi sáng. NSNA Thu Ba đặc biệt quan tâm đến góc máy: “Tôi thường hạ thấp hoặc nâng cao góc nhìn, hoặc chọn bố cục lệch - phá cách, nhằm tạo sự bất ngờ và mới mẻ cho người xem…”.

Hình ảnh TPHCM hiện đại do NSNA Ngô Thị Thu Ba thực hiện
NSNA Thu Ba bày tỏ về những hình ảnh hoạt động lễ hội ở thành phố trong sách ảnh: “Dù không mang tính lễ nghi đậm nét như ở một số vùng quê, nhưng chính sự năng động, gần gũi và dễ hòa nhập lại khiến các lễ hội ở TPHCM mang màu sắc rất riêng, nhẹ nhàng mà thấm đẫm tình người. Với tôi, điều quan trọng không nằm ở sự rình rang, mà là ở cảm xúc chân thật của lễ hội ấy mang lại cho cộng đồng - và đó cũng chính là giá trị văn hóa mà TPHCM đang âm thầm gìn giữ và phát huy mỗi ngày”.
Đường trên cao
Vẫn là góc nhìn đô thị hôm nay, hình ảnh thành phố qua tác phẩm sơn dầu Đường trên cao khiến người xem ấn tượng về vẻ đẹp tuyến Metro với những đoạn chạy trên cao hiện đại, ấn tượng mạnh về thị giác.
Chia sẻ về cảm hứng để thực hiện tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Trọng Hoàn bày tỏ: “Khi quan sát tuyến Metro từ trên cao, tôi bị cuốn hút bởi những đường ray thẳng tắp hướng về phía chân trời, những trụ điện, lan can và kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, vừa dứt khoát lại vừa đầy nhịp điệu. Hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến một biểu tượng - không chỉ là công trình giao thông hiện đại, mà còn là hình ảnh thành phố phát triển không ngừng, nhưng giá trị cốt lõi vẫn là sự kết nối, là tâm thế của con người trong dòng chảy ấy…”. Trong quá trình thực hiện tác phẩm Đường trên cao, công đoạn khó khăn khiến họa sĩ dành nhiều thời gian nhất chính là việc xử lý bố cục và ánh sáng. Bởi lẽ, tuyến Metro là một công trình có cấu trúc rất mạnh mẽ, nhiều chi tiết kỹ thuật, đường nét thẳng và đối xứng, làm sao để tái hiện đúng tỉ lệ, tạo chiều sâu không gian và đồng thời giữ được cảm xúc nghệ thuật.

Tác phẩm "Đường trên cao" của họa sĩ Nguyễn Trọng Hoàn
“Tôi đã dành rất nhiều thời gian để quan sát thực tế, ghi chép, chụp ảnh và chọn đúng thời điểm ánh sáng phù hợp, khi thành phố bắt đầu nhuộm màu vàng nhạt của ánh bình minh, vừa đủ ấm áp, vừa gợi mở một cảm giác tĩnh lặng và suy tư. Sau đó là quá trình vẽ, tỉ mỉ với từng lan can, từng bóng đổ, từng đường ray, để không gian không chỉ đúng về hình mà còn sống động về cảm. Có lẽ, điều khó nhất không phải là kỹ thuật, mà là giữ cho tác phẩm có “hồn”, để người xem nhìn thấy không chỉ một công trình, mà còn thấy được cả tâm thế của một thành phố đang vươn mình về phía trước”, họa sĩ Trọng Hoàn chia sẻ.
Theo họa sĩ, tác phẩm Đường trên cao thực hiện bằng chất liệu sơn dầu vì đây là chất liệu thể hiện tốt nhất chiều sâu không gian, sắc độ ánh sáng và sự chuyển biến tinh tế của bầu không khí. Độ dày mỏng khác nhau của từng lớp sơn, và cả độ lắng sâu trong màu sắc, không chỉ dựng lại hình ảnh của một tuyến Metro, mà còn khắc họa được không khí, thời gian và cả sắc thái của thành phố trong thời khắc ấy.