TPHCM: Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng
Tại Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TPHCM, Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM nhấn mạnh: 'Phòng ngừa là rất quan trọng, mục tiêu của chúng ta là không để tội phạm xảy ra bất kỳ ở điểm giao dịch ngân hàng nào tại TPHCM'.
Thực hiện Chỉ thị của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đường phố tại TPHCM, góp phần bảo đảm ANTT địa bàn, và Công văn 517/CATP-PC02 ngày 26/01/2024 của CATP về phối hợp tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các tổ chức tín dụng trên đị bàn TP sáng nay (21/11), Công an TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TPHCM. Hội nghị diễn ra tại Hội sở Ngân hàng VPBank (Q1, TPHCM).
Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM chủ trì hội nghị, tham dự có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM; lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức thuộc CATP; các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM…
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 11 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 04 vụ cướp ngân hàng tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng và Bình Dương. Tại TPHCM, trong 11 tháng của năm 2024 ghi nhận không xảy ra vụ cướp tài sản tại các ngân hàng, ghi nhận 01 vụ cạy máy ATM tại địa bàn huyện Hóc Môn vào tháng 4/2024 nhưng chưa lấy được tài sản; 01 vụ trộm cắp tài sản tại chi nhánh một ngân hàng ở địa bàn TP.Thủ Đức vào tháng 01/2024 (Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám phá, bắt giữ 01 đối tượng).
Theo thống kê, tính đến tháng 10 năm 2024, TPHCM hiện có 11 hội sở ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động, đây là những nơi luôn có tài sản và số tiền mặt lớn tại các quầy, để thuận tiện cho khách hàng giao dịch, điều này đã trở thành mục tiêu cho tội phạm nhắm tới.
Qua phân tích các vụ án cướp ngân hàng đã từng xảy ra cho thấy, các đối tượng cướp ngân hàng hoạt động manh động và liều lĩnh. Các đối tượng lập các nhóm kín, kết bạn với nhau trên các nền tảng mạng xã hội để trao đổi, thống nhất thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng. Các đối tượng gây án chủ yếu không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế, thậm chí không có mối quan hệ với nhau từ trước.
Trước khi lựa chọn mục tiêu gây án, các đối tượng thường khảo sát, nghiên cứu đặc điểm địa hình xung quanh, quy luật hoạt động tại các ngân hàng, nơi cất giấu tài sản, hướng tẩu thoát sau khi gây án sau đó mới chuẩn bị công cụ, phương tiện và vũ khí cần thiết để gây án; trực tiếp đe dọa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc súng giả để khống chế lực lượng bảo vệ, uy hiếp nhân viên ngân hàng và làm triệt tiêu khả năng chống cự của họ để nhanh chóng thực hiện hành vi cướp tài sản. Các vụ cướp thường xảy ra vào thời điểm lượng khách tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, còn sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an TPHCM được sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Ban Giám đốc CATP, đã tổ chức Hội ý bàn về các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng trên địa bàn, do Thiếu tướng Mai Hoàng (Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP) chủ trì vào ngày 13/12/2023, với sự tham dự của Công an các đơn vị, địa phương trực thuộc và đại diện lãnh đạo 18 ngân hàng trú đóng trên địa bàn TP. CATP đã ban hành văn bản số 517/CATP-PC02 ngày 26/01/2024 và văn bản số 4288/CATP-PC02 ngày 02/8/2024 gửi Ngân hàng Nhà nước về việc “Phối hợp tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM”.
CATP cũng đã ban hành các Kế hoạch, Thông báo về triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống tội phạm thực hiện công tác phòng chống tội phạm cướp, trộm cắp tài sản tại các điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn Thành phố để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm, hạn chế thiệt hại do tội phạm gây ra, nhất là tội phạm cướp, trộm cắp tài sản ngân hàng, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các ngân hàng triển khai, áp dụng giải pháp “Hệ thống báo động cảnh báo khẩn cấp, được truyền dẫn tín hiệu báo động đến cơ quan Công an” theo hướng dẫn của Bộ Công an; phối hợp thiết lập, cài đặt kết nối các hệ thống báo động đến Công an xã, phường, thị trấn.
Phòng Cảnh sát hình sự CATP phối hợp các phòng nghiệp vụ khảo sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện của các ngân hàng, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn về nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại 22 ngân hàng và phòng giao dịch. Kết quả: Cơ bản tại các ngân hàng đều đã bố trí ít nhất từ 02 nhân viên bảo vệ trở lên (01 nhân viên được bố trí bên ngoài sảnh, vỉa hè phía trước ngân hàng làm nhiệm vụ trông giữ phương tiện và hướng dẫn khách hàng đến giao dịch; 01 nhân viên bố trí bên trong khu vực quầy giao dịch).
Về phía các ngân hàng đều đã nghiên cứu bố trí, lắp đặt hệ thống báo động tại khu vực quầy giao dịch và khu vực kho quỹ; được kết nối trực tiếp với Công an phường nơi ngân hàng trú đóng và được kết nối với Hội sở chính đặt tại TPHCM.
Qua khảo sát thực tế ghi nhận có Hội sở Ngân hàng VPBank, số 3A Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q1; Chi nhánh Phòng giao dịch ngân hàng VPBank tại số 307 Nguyễn Văn Trỗi, P1, Q.Tân Bình đã lắp đặt hệ thống Camera thông minh nhận diện khuôn mặt được gắn phía trước cửa ra vào và bên trong để quan sát người ra, vào ngân hàng kèm theo hệ thống cảnh báo được phát lên loa khi phát hiện đối tượng cảnh báo và thường xuyên phát phát cảnh báo nhắc nhở khách hàng khi đến ngân hàng phải bỏ khẩu trang, mũ bảo hiểm trước khi vào giao dịch.
Ngoài ra, hệ thống camera thông minh còn nhận diện tốt tín hiệu cầu cứu (giơ hai tay, nằm xuống); nhận diện đối tượng đeo khẩu trang, đội mũ khi vào khu vực giao dịch, nhận diện được đối tượng cầm đồ vật khả nghi trên tay (súng, dao…), cảnh báo khi nhân viên rời khỏi vị trí quá thời gian quy định (linh hoạt cài đặt thời gian). Tích hợp được các thiết bị điều khiển đóng mở cửa, còi hú và âm thanh... Không giới hạn số lượng người nhận tin nhắn cảnh báo, có thể điểu chỉnh nhận diện đối tượng nào nhận cảnh báo và nhận diện đối tượng nào không nhận cảnh báo.
Việc lắp đặt hệ thống cảnh báo, nhận diện đối tượng cảnh báo không cần thay thế hệ thống camera mới, vẫn tận dụng được hạ tầng camera cũ đang sử dụng, chỉ cần lắp đặt thêm phần mềm giao nhiệm vụ cho các mắt camera thực hiện, tiết kiệm chi phí không cần phải thay mới hoàn toàn. Việc lắp đặt hệ thống camera thông minh cơ bản đáp ứng được các tiêu chí phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an, các ngân hàng có nhiều ý kiến, phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và thống nhất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm cướp tài sản, trộm cắp tài sản tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM.