TPHCM mới với cơ hội dẫn dắt công nghiệp thiết bị điện gió

Không gian phát triển mở rộng sau sáp nhập đang mở ra cơ hội để TPHCM mới không chỉ dẫn đầu dịch vụ mà còn có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện gió của cả nước.

Một ngành công nghiệp mới đang âm thầm hình thành ngoài vùng lõi đô thị TPHCM. Không phải công nghệ số, xe điện hay bán dẫn mà là sản xuất thiết bị điện gió. Thành phố mở rộng đang có đủ điều kiện để dẫn dắt, đó là cảng nước sâu, khu công nghiệp ven sông, doanh nghiệp cơ khí mạnh và một thị trường năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi đang tăng tốc.

TPHCM mới có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện gió của cả nước. Ảnh: TL

TPHCM mới có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện gió của cả nước. Ảnh: TL

Theo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, điện gió ngoài khơi là một trong những trụ cột năng lượng mới, với mục tiêu đạt ít nhất 6.000 MW đến năm 2030 và lên tới 91.500 MW vào năm 2050. Hàng loạt tỉnh như Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Thuận sẽ đặt turbine ngoài khơi, nhiều dự án tỉ đô về điện gió ngoài khơi đang khởi động.

Hiện cả nước có hơn 40 dự án đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi, trong đó có 3 dự án đã được cấp phép khảo sát với vốn dự kiến nhiều tỉ đô la. Mới đây Bộ Công Thương lần đầu tiên đã công bố khung giá phát điện gió ngoài khơi cao nhất gần 4.000 đồng/kWh, như một cú hích ban đầu cho loại năng lượng xanh này.

Một khi các dự án nói trên đi vào xây dựng, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi cần hàng ngàn bộ tháp gió, nền móng và cánh quạt mỗi năm- những thiết bị có kích thước khổng lồ, đòi hỏi năng lực sản xuất và vận chuyển đường thủy đặc biệt.

Đây là lợi thế mà ít địa phương nào sánh được với TPHCM mới. Cảng Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Khu công nghiệp Phú Mỹ, Đông Xuyên, Long Sơn có sẵn mặt bằng và năng lực kỹ thuật. Các tuyến sông lớn như Thị Vải, Đồng Nai, Soài Rạp nối thẳng từ nhà máy ra biển.

Trong khi đó, Hiệp Phước và Cát Lái là đầu mối hậu cần thiết yếu còn TPHCM là nơi cung ứng nhân lực và đào tạo kỹ sư cơ khí, hàng hải, năng lượng. Đây là những yếu tố quan trọng trong sản xuất và hậu cần của công nghiệp thiết bị điện gió.

Không chỉ hạ tầng thuận lợi, TPHCM mới còn đang sở hữu hai “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi giá trị thiết bị điện gió. Đó là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) có nhiều năm kinh nghiệm trong đóng giàn khoan, kết cấu thép ngoài khơi, hiện nay đang chuyển sang chế tạo nền móng điện gió và cung cấp dịch vụ thi công – vận hành turbine biển. CSWind, doanh nghiệp Hàn Quốc đặt tại Phú Mỹ, là nhà sản xuất tháp gió lớn nhất cả nước, xuất khẩu thiết bị cho các dự án điện gió toàn cầu. Tháp của công ty này cao hơn 100m, nặng tới 200 tấn, chỉ có thể vận chuyển bằng đường thủy.

Tuy nhiên, vài doanh nghiệp lớn nói trên không thể tự mình tạo ra một cụm ngành. Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho thiết bị điện gió cần sự tham gia của hàng loạt mắt xích: nhà máy kết cấu thép, sản xuất xi măng - bê tông, logistics siêu trường siêu trọng, trung tâm thiết kế kỹ thuật, trường đào tạo chuyên ngành, ngân hàng đầu tư xanh và đặc biệt là chính quyền đóng vai trò điều phối, quy hoạch không gian công nghiệp và hành lang vận chuyển.

Việc hình thành cụm ngành này không thể phó mặc cho thị trường. TPHCM mới cần chủ động đóng vai trò kiến tạo, bắt đầu từ việc quy hoạch hành lang sản xuất - vận chuyển thiết bị dọc theo sông Thị Vải, nơi có thể bố trí khu sản xuất, cảng chuyên dụng và kết nối hạ tầng. Tiếp đến là thiết lập một ban quản lý cụm ngành, nơi kết nối các doanh nghiệp chủ chốt, trường đại học kỹ thuật, và cơ quan nhà nước - để thúc đẩy nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, chia sẻ đơn hàng và xây dựng năng lực chuỗi.

Nếu được khởi động đúng lúc, cụm công nghiệp điện gió mang tính công nghiệp xanh có thể trở thành một trục phát triển công nghiệp chiến lược mới cho vùng kinh tế phía Nam trong thời gian tới, đồng hành cùng điện gió ngoài khơi trong hàng chục năm nữa.

Từng là đô thị dẫn đầu cả nước về dịch vụ, tài chính và công nghệ, giờ là lúc TPHCM mới có thể đi đầu trong phát triển một ngành công nghiệp xanh có giá trị gia tăng cao, có thể cung cấp trong nước và vươn ra thế giới.

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-moi-voi-co-hoi-dan-dat-cong-nghiep-thiet-bi-dien-gio/
Zalo