Thủ tướng: Sớm xem xét bỏ hạn mức tín dụng, theo cơ chế thị trường
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng, chuyển sang điều hành theo hướng thị trường và báo cáo trong tháng 7/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/7. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 3/7 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm xem xét gỡ bỏ việc sử dụng hạn mức tín dụng và chuyển sang điều hành tăng trưởng tín dụng theo nguyên tắc thị trường.
Đồng thời, NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng và báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2025.
Nhiều năm qua, NHNN duy trì cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng như một công cụ gián tiếp để kiểm soát lạm phát, lãi suất và lượng tiền cung ứng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao và hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển nhất định, việc loại bỏ cơ chế này được coi là cần thiết để khơi thông dòng chảy tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, từ cuối năm ngoái, NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo việc sẽ triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Theo đó, nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được bỏ hạn mức tín dụng. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này.
“Khi điều kiện cho phép thì chúng tôi sẽ tiến tới xóa bỏ công cụ này”, đại diện NHNN từng cho biết.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này, Thủ tướng cũng giao NHNN đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng hợp lý khoảng 16% cho năm 2025, đồng thời yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Cùng lúc, NHNN được chỉ đạo giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoàn thiện sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ngay trong tháng 7.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, đến ngày 26/6, tổng dư nợ của toàn hệ thống đạt hơn 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và tăng gần 19% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng hai năm qua.
NHNN cho biết đã duy trì mặt bằng lãi suất điều hành không đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng tăng trưởng. Phía các ngân hàng thương mại cũng đồng thuận giữ ổn định lãi suất huy động để giảm chi phí vốn.
“Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm trước,” Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết tại họp báo Chính phủ tối 3/7.
Cơ cấu tín dụng hiện được phân bổ khá đồng đều theo đặc điểm nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%, trong khi xây dựng – bao gồm cả hạ tầng – chiếm 7,53%. Dịch vụ bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ trọng lớn nhất với khoảng 23,74%.
Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được chú trọng. Nông nghiệp và nông thôn chiếm 23,16%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%. Các ngành có tốc độ tăng trưởng vượt trội gồm công nghiệp công nghệ cao (15,69%) và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (17,59%).
Chính phủ cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân theo các chương trình tín dụng trọng điểm. Đáng chú ý, quy mô tín dụng cho lĩnh vực lâm thủy sản đã được nâng từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng.
Song song, các chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long và tín dụng cho nhà ở xã hội, người trẻ dưới 35 tuổi cũng đang được triển khai tích cực.
Ngoài ra, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và chuyển đổi số cũng là một phần quan trọng trong chiến lược hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua dòng vốn hiệu quả.