TPHCM hội đủ điều kiện xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính dựa trên xuất khẩu hàng nông sản và các mặt hàng truyền thống.
Chiều ngày 28-3 tại TPHCM, Hội nghị xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được.
Cơ hội không thể bỏ lỡ
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đánh giá, việc Trung ương lựa chọn TPHCM là nơi đặt trung tâm tài chính quốc tế toàn diện là niềm vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề. Bởi trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được
"Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu", ông Được chia sẻ.
Cũng theo ông Được, về các yếu tố khách quan và sự chuẩn bị đến thời điểm này, TPHCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cho biết thế giới đang trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động, cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, khủng hoảng chuỗi cung ứng, dịch bệnh, xung đột vũ trang, kinh tế phân mảnh. Bên cạnh đó là sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, blockchain… khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng dịch chuyển.
"Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính toàn cầu cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ: từ việc đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù cho thị trường ngách", ông Thắng phân tích.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới, nhưng với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
“Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công Trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu” - Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Trong phần thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển trung tâm tài chính trên thế giới, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk, cho rằng một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện trung tâm tài chính ở Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành trung tâm tài chính, cần có cơ chế điều khiển các dòng tiền tự do.
Ông Rich McClellan, nguyên Giám đốc quốc gia Việt Nam của Viện Nghiên cứu Tony Blair, cho rằng Việt Nam cần tận dụng thế mạnh khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, vị trí địa chính trị, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị
TS. Kuang Qu, Giám đốc Chiến lược phát triển bền vững, Ngân hàng Trung Quốc, nhắc đến khu vực Khu thương mại tự do Thượng Hải có một số cơ chế cởi mở hơn, để giúp giao dịch quốc tế một cách dễ dàng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng để gợi mở cho Việt Nam.
Trao đổi thêm tại phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính cần có bản sắc riêng, khác với bất kỳ quốc gia nào. “Chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế. Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh”, Thứ trưởng Ngọc chia sẻ.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 FTA với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù “trade finance”.